Thứ Ba, 28 tháng 8, 2007

Lễ Vu Lan rằm tháng 7

Vẳng đâu đây lời Văn tế thập loại chúng sinh:

"Lòng nào lòng chẳng thiết tha
Cői dương còn thế nữa là cői âm
Trong trường dạ tối tăm trời đất
Có khôn thiêng phảng phất u minh
Thương thay thập loại chúng sinh"

Lại đến mùa lễ Vu Lan.

Vào dịp này, trời thường mưa gió, sập sùi. Thủa trước, khi còn nghèo nàn, quang cảnh thôn quê rất đỗi thê lương. Nguyễn Du từng mô tả trong "Văn tế thập loại chúng sinh":
"Trời tháng Bảy mưa dầm sùi sụt;
Toát hơi mây lạnh ngắt xương khô;
Não người thay buổi chiều Thu;
Ngàn lau nhuốm bạc, lá ngô rụng vàng"..

Tiết trời như vậy thật dễ làm cho con người ta thấy được sự mong manh của kiếp người với cõi người, và lễ xá tội vong nhân vào dịp này dường như càng là sự ấn định hợp lý của Trời, Đất và Đức Phật.

Theo nhà Phật, đó là lễ Vu Lan, bắt nguồn từ tích Tôn giả Mục Kiền Liên thương mẹ bị đọa đầy dưới địa ngục, được Đức Phật chỉ bảo làm lễ cúng Giàng, chú tâm cầu nguyện thì có thể siêu thoát cho mẹ. Lại có một tích khác của người Trung Hoa kể rằng, ngày lễ trên có liên quan đến câu chuyện "quỷ miệng phun lửa" đến tịnh thất của ông A nan đà đòi ăn. Ông này sợ hãi, đến bạch đức Phật và được Ngài dạy đến rằm tháng Bảy làm lễ cúng quỷ phun lửa sẽ được thêm phúc đức.

Nguời dân Việt tiếp nhận những tích chuyện này nhưng đã mở rộng ra, biến thành lễ "xá tội vong nhân". Không chỉ là dịp lễ để tỏ lòng thành kính với các bậc sinh thành, cũng không cúng riêng "quỷ miệng lửa" mà cúng tất cả các cô hồn nói chung. Nguời ta cho rằng, những ai khi sống phạm nhiều tội lỗi thì linh hồn sẽ bị xiềng xích chịu đày ải nơi địa ngục. Tuy nhiên, mỗi năm đến dịp rằm tháng Bảy, xiềng gông được mở để mọi cô hồn có dịp trở về dương thế gặp lại người thân, nhận tiền vàng, đồ ăn và quần áo. Mỗi năm một lần, mọi linh hồn, bất kể khi sống thế nào, đến ngày đó vẫn được "xá tội", được hưởng sự yêu thương của đồng loại. Nhà nhà mua sắm đồ vàng mã, nấu cháo loãng, rang bỏng ngô chuẩn bị cúng ngoài trời để đãi "ma đói" - những cô hồn vờ vật không có người thân cúng giỗ.


Hằng năm, cứ đến dịp này là mọi người lại tất bật sắm sửa lễ để cúng cho ông bà tổ tiên, báo hiếu với cha mẹ, những người đã mất, cho những linh hồn không ai thờ cúng, lang thang vất vưởng, cúng chúng sinh. Mọi người đều cầu chúc cho những người đã khuất có cuộc sống tốt đẹp hơn, gửi cho họ ít quần áo, tiền bạc cũng như hương hoa cho ngày duy nhất trong năm này. Không biết có kiếp sau không nhưng nghi lễ này như một sự nhắc nhở con cháu luôn nhớ đến những người thân đã mất. Âu cũng là một nét đẹp trong cuộc sống vốn tất bật và hối hả ngày nay.

Không có nhận xét nào: