Thứ Tư, 28 tháng 11, 2007

Huy 20 tháng rồi

Mẹ lại kiểm tra tình hình của Huy xem có khả quan ko đây:
Photo Sharing and Video Hosting at Photobucket
Tên: Nguyễn Quang Huy
Cân nặng: 12.5 kg
Chiều cao: 86-87cm
Tình trạng dinh dưỡng: Chỉ dài người ra chứ không bụ bẫm, ăn bình thường nhưng ăn lâu và vẫn chán sữa.
Tình trạng sức khỏe: Dạo này hay sổ mũi và nói giọng như bị cúm, mắt thì vẫn thế, còn bị hẹp bao quy đầu nữa, mẹ nong mà khó quá...
Tình trạng ngôn ngữ: Dạo này biết nói theo người lớn nhiều từ hơn, biết bảo "đái"... sau khi đã đái dầm. Còn biết hát nữa "...là lá la la là là lá la la...(bé lên 3)", và nói nhiều từ buồn cười lắm. À, biết gọi bố: bú, bú ơi...Trong khi đó chẳng biết gọi mẹ gì cả
Khác: hay bị nẻ nứt chân tay và mặt

Em Khoai nữa đây

Em Khoai lúc được 20 ngày, trông cực iu luôn.

Xem ảnh Huy này

Tập mãi mới làm được cái slide này cho con trai đây.

Thứ Ba, 27 tháng 11, 2007

Thu nghiem

Thứ Hai, 26 tháng 11, 2007

Hôm qua bị đụng xe...

Hic, có lẽ tại số, cả nhà về quê lên, xe đỗ cách nhà 2km, nên 2 vợ chồng quyết định đi xe ôm. Người đầu tiên quát 20K. Khiếp, cứ như cướp giật được tiền không bằng, có 2km chứ có phải nhiều nhặn gì đâu. Chọn ông thứ hai, mềm hơn chút đỉnh, 15K. Leo lên xe mình ôm con và bám chặt ông xe ôm. Cách nhà chỉ còn vài trăm mét chẳng biết lão í đi thế nào mà rầm rồi loạng choạng, mình không thấy chồng ngồi đằng sau nữa, xe loạng choạng, mình nghĩ thầm chết mất, quả này hai mẹ con ngã toi. May sao lão xe ôm giữ được tay lái, xe không đổ. Ơn chúa! Quay lại xem chồng đâu thì ôi thôi, đang ôm chân. Chết mất, không khéo gẫy chân. Hu hu..., Huy sợ quá ôm chặt lấy mẹ, mẹ cũng sợ, chân bố bị một lỗ sâu hoắm ở đầu gối, máu chảy ròng ròng. May có 1 nhà bên đường họ cho vào nhờ rồi lôi lão xe ôm lại. Rồi anh chồng nhà đó chở chồng mình vào 1 cơ sở y tế tư nhân để khâu lại. Mình điện gọi bà ra đón 2 mẹ con rồi quay lại thì cũng đã khâu xong, đưa chồng về nhà mà mình vẫn còn thấy run run. Hic, may mà Huy ko sao, nó có làm sao thì mình chết mất. Thương chồng quá, nhăn nhó vì đau mà chẳng biết làm thế nào cả...

Thứ Ba, 20 tháng 11, 2007

Hic hic, hôm qua mẹ lại đánh Huy rồi...

Mẹ càng mắng con càng khóc. Mẹ đóng cửa bếp và để cho con một mình trong phòng. Con vừa khóc vừa đập cửa vừa gọi mẹ bằng thứ ngôn ngữ riêng của mình. Bà xót cháu hỏi sao để nó khóc thế. Mẹ nước mắt lưng tròng nhưng vẫn cố không khóc và chịu đựng con khóc một lúc nữa. Mẹ mở cửa ra, con ôm chầm lấy mẹ khóc thổn thức. Tiếng con khóc cứ như mũi dao đâm vào tim mẹ. Rồi con lại khóc, mẹ càng đẩy con ra con càng cố lại gần mẹ, mẹ bỏ chạy con chạy theo. Mẹ bỏ con lại một mình trên giường con nhìn theo tay run run chỉ theo mẹ mắt đầy nước mắt và cầu cứu. Trời ơi, mẹ không cầm lòng được nữa, chạy lại ôm lấy con vào lòng. Mẹ lại với con, mẹ xin lỗi con, mẹ để con khóc nức nở rồi, mẹ hư quá, con nín đi...hu hu...

Một bữa ăn của con vất vả thế đó, con khóc không ăn, theo bố đi làm. Mãi rồi con cũng chịu ăn với thời gian 1h30 phút cho bữa đó. Mẹ thấy sao mà khổ vì ăn thế con nhỉ?

Thứ Hai, 19 tháng 11, 2007

Nỗi niềm...

Mẹ bảo đàn ông vô tích sự lắm con ạ, không chồng thì mang tiếng không chồng chứ có chồng thì cũng như không chồng. Mình thông cảm với hoàn cảnh của mẹ. Nhưng, mẹ ơi mỗi lần mẹ kể:

Con nhà bác A, cái thằng Thế sao mà nó khéo thế, khéo từ ăn nói đến kiếm tiền. mà cả 2 vợ chồng nó đều khéo...Rồi thằng Lâm cũng thế...

Con Mai nhà bà B nó chỉ học trung cấp kế toán, giờ ra trường chồng con rồi mỗi tháng nó kiếm được chục triệu, nhàn hạ mà chẳng vất vả gì, thằng chồng nó cũng kiếm ra tiền...

Con rể nhà dì C, lái xe thôi mà nó cũng kiếm được hơn chục triệu mỗi tháng, hai vợ chồng thì phải hai chục triệu chứ không ít....

Con Hương nhà bà D, lấy chồng giàu sướng thật....

Con gái người ta chúng nó khéo thế chứ, chọn anh nào giàu có mới lấy...
....
là con lại thấy chạnh lòng và nghĩ xa xăm. Sao mẹ cứ hay so sánh một cách thiên về vật chất thế nhỉ, có phải cứ có tiền là có hạnh phúc đâu cơ chứ. Con chưa bao giờ than khổ với mẹ vì lấy chồng xa hay lấy chồng nghèo. Yêu ai lấy ai là việc của con, có thế nào con hưởng thế ấy. Mẹ đừng so sánh thế nữa mẹ nhé.

Thứ Ba, 13 tháng 11, 2007

9 thực phẩm tốt cho mùa lạnh

Nếu ốm trong ngày lạnh, bạn nên ăn bát cháo gà nóng. Món ăn này giúp bạn chống lại sự mất nước, hơi nóng giúp mũi ấm và dễ thở hơn; thịt gà tăng sức đề kháng nhờ cung cấp selen và vitamin E.

Các món ăn sau cũng giúp bạn khỏe trong thời tiết khắc nghiệt của mùa đông:

Quả thuộc họ cam quýt:
Đây là những trái cây giàu vitamin C và bioflavonoid, những chất giúp chúng ta chống chọi với cái lạnh và bệnh cảm cúm.

Bí đỏ:
Là nguồn beta-caroten dồi dào, một trong những chất chống ôxy hóa mạnh, vốn được coi là vũ khí chủ lực của mùa đông. Beta-caroten là tiền vitamin A, sau này được cơ thể chuyển hóa thành vitamin A, có tác dụng phòng chống bệnh tật rất tốt.

Thực phẩm lên men:
Các thực phẩm lên men như yogurt, kefir rất tốt cho sức khỏe vì chứa các vi sinh vật có ích, giúp chống lại mầm bệnh.

Cá:
Cá là nguồn cung cấp dồi dào kẽm và omega-3, giúp cơ thể khỏe mạnh trong mùa Đông. Kẽm giúp tăng cường khả năng sản xuất các tế bào giúp chống viêm nhiễm, tăng cường sức đề kháng. Rất nhiều người mắc chứng thêm lượng axít béo omega-3 (có nhiều trong cá biển nhiều mỡ) trong bữa ăn hàng ngày.

Tỏi:
Tỏi có tác dụng kháng khuẩn, kháng virus mạnh, phòng chống viêm phổi rất hữu hiệu. Nhưng để đạt được hiệu quả đó, bạn phải ăn một lượng lớn và chưa qua chế biến (0,5 kg tỏi mỗi tuần hoặc 1/3 thìa cà phê bột tỏi/ngày). Những người đang sử dụng thuốc chống đông máu cần dùng tỏi theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Nấm:
Những nghiên cứu mới đây cho thấy ăn nấm rất tốt cho hệ miễn dịch, giúp tăng cường sức đề kháng. Mỗi loại nấm lại có những công dụng khác nhau. Nấm cung cấp ít năng lượng, có thể ăn thoải mái mà không sợ tăng cân.

Sò:
Là nguồn cung cấp chất kẽm dồi dào, giúp cơ thể chống bệnh cảm cúm. Kẽm còn giúp làm lành các vết thương, tăng hưng phấn phòng the.

Trà:
Các nghiên cứu mới đây cho thấy 5-6 tách trà đen mỗi ngày sẽ giúp cơ thể kháng viêm nhiễm rất tốt.

(Theo Thời Trang Trẻ)

Lý do đeo nhẫn cưới ở ngón áp út

Từ lâu mình vẫn cứ thắc mắc là tại sao mọi người đều đeo nhẫn cưới vào ngón áp út. Hôm nay tìm được bài này trên báo Sài Gòn Tiếp Thị thế là bê nguyên vào đây. Quả thật cái gì cũng có lý do của nó. Nào, chúng ta cùng tìm hiểu nhé.

Lý do đeo nhẫn cưới ở ngón áp út

Bạn để hai bàn tay đối diện, gập ngón giữa lại và áp sát vào nhau rồi cho hai bàn tay mở ra nhưng các ngón còn lại chống vào nhau ở đầu mút ngón. Bạn sẽ thấy các ngón cái, trỏ, út đều dễ dàng tách ra nhưng riêng hai ngón áp út lại không thể rời.

Và đây cơ sở để người Trung Quốc đưa ra một cách giải thích rất thú vị và thuyết phục về lý do đeo nhẫn cưới ở ngón áp út.

Theo họ, ngón tay cái tượng trưng cho cha mẹ, ngón tay trỏ tượng trưng cho anh em, ngón giữa là chính bạn, ngón áp út tượng trưng cho người bạn đời, và ngón út tượng trưng cho con cái của bạn. Khi thử úp hai bàn tay theo kiểu đã nói ở trên, bạn sẽ thấy chỉ có ngón áp út là không thể tách nhau ra được. Đó là bởi cha mẹ bạn không thể sống suốt đời với bạn. Anh em cũng sẽ có gia đình riêng và sẽ rời xa bạn. Cuối cùng con cái bạn cũng vậy, chúng sẽ tạo dựng cuộc sống của riêng mình chứ không thể sống cùng bạn mãi mãi.
Còn với ngón áp út, bạn sẽ thấy ngạc nhiên khi không thể tách rời chúng ra khỏi nhau. Đó là vì bạn cùng người bạn đời được số phận mang đến với nhau để hòa quyện, gắn bó không thể tách rời suốt cả cuộc đời, cho dù tất cả thế giới này bỏ hai bạn ra đi và cuộc sống của hai người có trải qua bao thăng trầm, ngọt đắng đến thế nào đi nữa. Đó chính là lý do tại sao người ta lại đeo nhẫn cưới ở ngón áp út.

(Theo Sài Gòn Tiếp Thị)

Tiểu sử thú vị của bàn chải và kem đánh răng

Nhiều khoa học gia đã ví miệng con người như một sở thú, trong đó chen chúc cả vài trăm loại vi sinh vật lành dữ khác nhau, đặc biệt là ở phần sau của lưỡi.
Chúng sống nhờ thực phẩm còn sót lại ở răng miệng, tạo ra vài loại acid và mùi hôi. Acid ăn mòn men răng, dẫn tới sâu răng, rụng răng. Mùi sulfur làm miệng có mùi khó chịu khi nói, khi thở, khi “mi” nhau.
Từ xa xưa, loài người đã ý thức được ảnh hưởng xấu của thực phẩm còn kẹt lại ở răng miệng. Vì thế, sau khi ăn, người châu Á cũng như châu Âu, châu Phi vừa rửa tay, rửa mặt vừa súc miệng. Với một ngụm nước đầy, họ vận dụng mấy thớ thịt ở má làm cho nước nổi sóng, lách qua lách lại khe răng, loại hết thức ăn dính nơi đây. Dùng ngón tay trỏ, người ta chà tới chà lui hàm răng. Nhiều khi họ dùng khăn mặt hoặc một miếng vải nhỏ để lau răng.
Trung Hoa được coi như nơi khai sinh của bàn chải đánh răng đầu tiên trên trái đất, được làm với lông bờm ngựa gắn trên một cái cán bằng tre hoặc xương thú vật. Đó là vào khoảng năm 1498.
Năm 1780, một công dân người Anh, ông William Addis, thấy chà răng bằng miếng vải tẩm muối bất tiện. Ông ta bèn làm bàn chải bằng cách dùi nhiều lỗ nhỏ trên một miếng xương súc vật rồi luồn vào đó nhiều sợi lông đuôi bò cứng ngắn, cắt cho bằng để chải răng. Hiện nay, hậu duệ của ông có cơ sở sản xuất bàn chải răng rất lớn.
Đến năm 1857, bằng sáng chế bàn chải đánh răng đầu tiên tại Mỹ được cấp cho ông H.N. Wadsworth.
Năm 1938, Công ty Dupont dùng sợi nylon làm bàn chải thay thế cho lông súc vật. Lý do là lông thú vật ngày một khan hiếm, lại sợ nhiễm trùng mất vệ sinh. Tuy nhiên, lông heo rừng vẫn còn được nhiều người ưa thích vì là vật hiếm và thiên nhiên.
Đến năm 1939, Thụy Sỹ bắt đầu sản xuất bàn chải đánh răng chạy bằng điện. Năm 1961, công ty General Electric tung ra thị trường bàn chải điện không dây. Tiến bộ hơn nữa là bàn chải xoay tròn Interplak được bán cho công chúng vào năm 1987. Bàn chải điện rất tiện lợi cho người có khó khăn trong vận dụng hai bàn tay, chẳng hạn bị viêm xương khớp, hậu quả tai biến não.
Năm 2003, một cuộc thăm dò dư luận cho hay bàn chải đánh răng được coi là nhu yếu phẩm số một trong đời sống mọi người, cần thiết hơn xe hơi, máy vi tính, điện thoại di động.
Việc đánh răng thường thường chỉ loại bỏ được 70-80% chất bẩn, phần còn lại phải nhờ tới chỉ nha khoa. Chỉ tơ thay thế cho việc dùng tăm cổ truyền dễ gây tác động xấu cho nướu. Đôi khi nhà sản xuất tẩm vào chỉ chất kháng sinh, fluoride, chất gây thơm.
Kem đánh răng
Theo các nhà khảo cổ, kem đánh răng đã được dùng ở Ấn Độ và Trung Hoa từ 500 năm trước Công nguyên. Trước kia người xưa tán vụn xương động vật, vỏ trứng, vỏ hến để chà răng. Sau đó, bột đánh răng được sản xuất từ cỏ cây, than với vài chất có mùi thơm.
Mãi tới năm 1824, một nha sĩ tên là Peabody mới nghĩ ra việc cho thêm xà phòng vào kem đánh răng để có nhiều bọt. Ngày nay, xà phòng được thay thế bằng chất Sodium Lauryl Sulfate, và Sodium Ricinoleate.
Năm 1850, John Harris thêm đá vôi vào kem.
Năm 1892, bác sĩ Washington Sheffield ở Connecticut (Mỹ) nghĩ ra việc cho kem đánh răng vào một ống có thể gấp gọn vào được. Trước đó, kem được chứa trong lọ sứ, dưới dạng nhão, bột hoặc đóng thành từng cục dẹt nhỏ tròn tròn, bọc trong giấy bóng kính.
Đến thập niên 1960, hãng Colgate bắt đầu pha fluoride vào kem để duy trì men răng tốt.
(Theo Sức Khoẻ & Đời Sống)

Tại sao quả cà thái ra để lâu lại bị đen?

Trong quả cà có một chất gọi là tannin, cũng gọi là nhu chất. Tannin có một đặc tính là ở trong không khí sẽ biến thành vật chất màu đen.
Cho nên sau khi thái cà ra, chất tannin ở trong đó tiếp xúc với không khí, thời gian dài sẽ bị ôxy hoá biến thành màu đen.
Trong tất cả những vật chất có chất tannin đều có hiện tượng như thế cả, ví dụ như quả lê, quả táo sau khi bổ ra cũng biến thành màu tím đen.
(Theo sách 10 vạn câu hỏi vì sao)

Nghe Phật dạy về tình yêu

(Dân trí) - Này người trẻ, bạn có biết Phật dạy như thế nào về tình yêu? Tôi đã may mắn tham dự một buổi pháp thoại của Thiền sư Nhất Hạnh về tình yêu: mối quan hệ giữa yêu thương và hiểu biết, tình yêu từ bi hỉ xả, tình yêu và tình dục. Ông gọi đó là “yêu thương theo phương pháp Phật dạy”.

Trước khi bắt đầu bài thuyết pháp của mình tại Tổ Đình Trung Hậu - Vĩnh Phúc, Thiền sư Nhất Hạnh đã mời các bạn trẻ ngồi lên trên, để có thể nghe thật rõ. Ông muốn nói về tình yêu, bản chất tình yêu nhìn từ góc độ Phật giáo.

Miệng mỉm cười, ông đã kể một câu chuyện tình yêu, giản dị thôi nhưng hàm ý sâu sắc: Có một chàng trai ở vùng California - Mỹ, rất đẹp trai, học giỏi, tốt nghiệp một trường đại học nổi tiếng, có nhiều bạn gái xinh đẹp. Chàng trai sống với mẹ, người mẹ biết trong các cô gái ngưỡng mộ con mình, có một cô gái không xinh nhất, cô không trắng, không cao lắm nhưng được chàng trai đặc biệt chú ý. Ngạc nhiên, người mẹ hỏi con trai: Vì sao con lại thích cô gái ấy, cô ta đâu có gì nổi bật?Cô ấy hiểu con - chàng trai trả lời đơn giản.

Chàng trai học ngành công nghệ thông tin nhưng rất hay làm thơ. Mỗi lần chàng đọc thơ, cô gái nọ lắng nghe rất chăm chú và có những nhận xét sâu sắc, trong khi những cô gái xinh đẹp kia không để ý gì đến. Chàng trai đã chọn người yêu không vì vẻ đẹp bề ngoài, mà bởi sự lắng nghe và thấu hiểu.

“Đạo Phật cũng dạy như vậy, có hiểu mới có thương, tình yêu phải làm bằng sự hiểu biết”, Thiền sư kết luận.

Muốn thương phải hiểu

Trong đạo Phật, từ bi gắn liền với trí tuệ. Không hiểu, không thể thương yêu sâu sắc. Không hiểu, không thể thương yêu đích thực. Hiểu chính là nền tảng của tình thương yêu.

Mỗi người có những nỗi niềm, những khổ đau, bức xúc riêng, nếu không hiểu, sẽ không thương mà giận hờn, trách móc. Không hiểu, tình thương của mình sẽ làm người khác ngột ngạt, khổ đau. Không hiểu, sẽ làm người mình thương đau khổ suốt đời.

Nhân danh tình thương, người ta làm khổ nhau. Chuyện đó vẫn thưòng xảy ra.

Được hiểu và được thương vốn là một nhu cầu muôn đời của con người. Nhiều người thường cảm thấy không ai hiểu mình. Họ “đói” thương, “đói” hiểu. Họ thơ thẩn, lang thang trong cuộc đời tìm người hiểu mình, thương mình. Gặp được người hiểu mình, thương mình là may mắn lớn của cuộc đời. Tình yêu nảy nở, lớn lên từ đó.

Vậy nên, “có hiểu mới có thương” là nguyên tắc chọn người yêu, chọn chồng/vợ theo quan điểm Phật giáo. Dù người ta có đẹp, có giàu đến đâu nhưng không hiểu mình sẽ làm mình khổ suốt đời. Hôn nhân có thể mở ra những con đường hoa hồng, có thể mở ra cánh cửa tù ngục. Chọn vợ, chọn chồng là một sự mạo hiểm lớn. Hãy cẩn thận, nếu không muốn chọn án tù chung thân cho cuộc đời mình.

Chọn người hiểu và thương mình - hãy nhớ - đó là nguyên tắc tìm người tri kỷ trong cuộc đời.

Bốn yếu tố của tình yêu: Từ bi hỉ xả

Phật dạy về tình yêu rất sâu sắc. Tình yêu phải hội tụ đủ bốn yếu tố: từ, bi, hỉ, xả.

“Từ” là khả năng hiến tặng hạnh phúc cho người mình yêu. Yêu thương không phải là vấn đề hưởng thụ, yêu thương là hiến tặng. Tình thương mà không đem đến hạnh phúc cho người yêu không phải là tình thương đích thực. Yêu mà làm khổ nhau không phải tình yêu. Có những người yêu nhau, ngày nào cũng khổ, đó là tình yêu hệ luỵ, chỉ mang tới sự khổ đau. Yêu thương ai đó thực sự, nghĩa là làm cho người ta hạnh phúc, mỗi ngày.

“Bi” là khả năng người ta lấy cái khổ ra khỏi mình. Mình đã khổ, người ta làm cho thêm khổ, đó không thể là tình yêu đích thực. Còn gì cho nhau nếu chỉ có khổ đau tuyệt vọng. Người yêu mình phải là người biết sẻ chia, biết xoa dịu, làm vơi bớt nỗi khổ của mình trong cuộc đời.

Như vậy, “từ bi” theo Phật dạy là khả năng đem lại hạnh phúc cho nhau. Yêu thương ai là phải làm cho người ta bớt khổ. Nếu không, chỉ là đam mê, say đắm nhất thời, không phải là tình yêu thương đích thực. “Từ bi” trong tình yêu không phải tự dưng mà có. Phải học, phải “tu tập”. Cần nhiều thời gian, để quan sát, để lắng nghe, để thấu hiểu những nỗi khổ niềm đau của người yêu, để giúp người ta vượt qua, tháo gỡ, bớt khổ đau, thêm hạnh phúc.

“Hỉ” là niềm vui, tình yêu chân thật phải làm cho cả hai đều vui. Dấu ấn của tình yêu đích thực là niềm vui. Càng yêu, càng vui, niềm vui lớn, cả gia đình cùng hạnh phúc. Cuộc nhân duyên như thế là thành công.

“Xả” là không phân biệt, kì thị trong tình yêu. Mình yêu ai, hạnh phúc của người ta là của mình, khó khăn của người ta là của mình, khổ đau của người ta là của mình. Không thể nói đây là vấn đề của em/ anh, em/ anh ráng chịu. Khi yêu, hai người không phải là hai thực thể riêng biệt nữa, hạnh phúc khổ đau không còn là vấn đề cá nhân. Tất cả những gì mình phải làm coi đó là vấn đề của hai người, chuyển hoá nỗi khổ đau, làm lớn thêm hạnh phúc.

Này người trẻ, bạn nghĩ về tình yêu của mình đi, có “từ bi hỉ xả không”? Bạn hãy can đảm tự hỏi mình rằng “Người yêu ta có hiểu niềm vui nỗi khổ của ta không? Có quan tâm đến an vui hàng ngày của ta không? Người ấy có nâng đỡ ta trên con đường sự nghiệp không?...” Và tự hỏi lại mình, liệu bạn có đang thành thực với tình yêu của mình?! Liệu tình yêu của bạn đã đủ “từ bi hỉ xả”?!

Tình dục và tình yêu

Phật giáo quan niệm như thế nào về tình dục trong tình yêu? Không phải ngẫu nhiên mà vị thiền sư tôi được hạnh ngộ bắt đầu vấn đề này bằng cách bàn về “thân tâm” trong truyền thống văn hoá Á Đông.

Trong truyền thống văn hoá ta, thân với tâm là “nhất như”, tức là nếu ta không tôn kính thân thể người yêu thì cũng không tôn kính được tâm hồn người ấy. Yêu nhau là giữ gìn cho nhau, kính trọng nhau. Khi sự rẻ rúng xem thường xảy ra thì tình yêu đích thực không còn.

Thân thể ta cũng như tâm hồn ta. Có những nỗi niềm sâu kín trong tâm hồn, chúng ta chỉ chia sẻ với người tri kỉ. Thân thể ta cũng vậy, có những vùng thiêng liêng và riêng tư, ta không muốn ai chạm tới, ngoài người ta yêu, ta tin, ta muốn sống trọn đời, trọn kiếp.

Trong tình yêu lớn và cao quý, bất cứ lời nói và cử chỉ nào cũng phải biểu lộ sự tương kính. Người con trai phải tôn trọng người con gái mình yêu, cả thân thể lẫn tâm hồn. Người con gái biết giữ gìn, cũng là biết làm người yêu thêm tương kính, nuôi dưỡng hạnh phúc lâu dài về sau.

Bạn muốn thương yêu theo phương pháp Phật dạy chăng? Hãy hiểu, thương và tương kính người yêu của mình, cũng chính là đem hạnh phúc đến cho người và cho mình vậy!

Nguyệt thực và Nhật thực toàn phần

Nguyệt thực toàn phần (Total Lunar Eclipse) ngày 28/8/2007. Nguyệt thực toàn phần xảy ra khi Trái đất đi vào giữa Mặt trăng và Mặt trời và che khuất hoàn toàn Mặt trăng. Xem tại đây.

Nhật thực toàn phần (Total Solar Eclipse) ngày 29/3/2006 tại Thổ Nhĩ Kỳ. Nhật thực toàn phần là một hiện tượng rất hiếm gặp của tự nhiên, trong thời gian xảy ra nhật thực toàn phần, trên bầu trời tối mờ có thể thấy rõ đĩa tối của mặt trăng lồng trong mặt trời. Song hiện tượng này chỉ quan sát được khi trời quang đãng. Xem tại đây.

Thêm đây nữa nhé.

Những ngày tháng trên đất bạn Lào (tiếp)

.....Vậy là tôi thực sự bước vào cuộc sống công trường tuy rằng tôi làm việc ở BĐH, thi thoảng mới đi đến công trường làm việc.

Sau một đêm ngủ không được ngon lắm vì trên trần nhà bọn chuột nó hoành hành cả đêm, tôi tỉnh dậy và ăn sáng. Mọi người nhìn tôi với ánh mắt vừa lạ lẫm vừa ngạc nhiên. Không hiểu con bé này nghĩ thế nào mà lại sang tận cái nơi rừng rú này để làm việc nhỉ. Một "chú" (cho phép tôi được gọi bọn họ như thế cho nó dễ) liền hỏi tôi có đi ra công trường không? Tôi không chần chừ và đồng ý luôn. Quả thật là tôi chưa biết cái mày ngang mũi dọc công trường nó ra làm sao cả. "chú" này chở tôi đi khoảng 4km lên 1 quả đồi thấp thấp, ở đó mọi người đang làm nhà. Hỏi ra thì mới biết đó là làm nhà cho tư vấn giám sát. Ấn tượng đầu tiên "lùa" vào tôi, tôi phải dùng từ lùa, đó là gió. Trên 1 quả đồi trống, gió tha hồ mà mà tung tăng bay lượn, hết quất bên này lầ quật bên kia. Gió thôi bên tai tôi vù vù, thôi cảm thấy hơi lạnh dù tôi đã mặc một cái áo khoác to (nhưng ko dày lắm) và cảm giác như không khéo mình bị gió thổi bay mất. May quá, sau một hồi đi kiểm tra công việc "chú" kia bảo ra về. Lúc này tôi mới phóng tầm mắt mình xem xét mọi thứ trên đường đi. Thủ phủ của Tỉnh Xiêng Khoảng chỉ vẻn vẻn vài km2, với trung tâm là chợ Phôn xa vẳn, gồm 1 chợ hàng tiêu dùng và 1 chợ thực phẩm. Cơ quan chính quyền của tỉnh nằm rải rác quanh khu chợ đó. Một thị trấn nghèo miền núi.

Những ngày sau đó, tôi làm quen với công việc mới và cuộc sống mới không có gì là quá khó khăn. Tiếng Lào, thứ ngôn ngữ bản địa, tôi chẳng hề biết, mọi người bắt đầu dạy cho tôi. Ở chỗ tôi làm có 1 chị giúp việc người Lào. Muốn nói chuyện với chị này tôi phải nhờ "chú" phiên dịch. Và cũng nhờ chú này tôi ra chợ Phôn sa vẳn làm quen với cuộc sống của họ. Công việc và cuộc sống cứ thế trôi đi, tôi thông tin về nhà để gia đình khỏi lo về cho ăn ở mới của mình. Mới đầu mọi việc đều suôn sẻ. Bọn tôi, cả kỹ sư, lần này toàn là lớp trẻ, hầu hết mới ra trường hoặc có kinh nghiệm chưa nhiều về lĩnh vực thi công. Nhưng được cái, tuổi trẻ nên ai cũng nhiệt tình lắm. Dưới sự chỉ bảo của ban giám đốc và những người đi trước chúng tôi làm quen với công việc rất nhanh, tự tin làm việc với tư vấn người nước ngoài, chủ động giải quyết công việc cho dù vốn liếng tiếng Lào còn hạn chế. Cũng may là vùng giáp Việt Nam nên ở thị trấn Phôn xa vẳn cũng có rất nhiều người Việt sinh sống nên cũng không đến nỗi "nói chuyện mỏi tay" với người dân ở đây. Lúc đó, các đơn vị thi công đang khẩn trương triển khai máy móc, công nhân... từ Việt Nam sang đóng trên toàn tuyến đường, còn BĐH thì gấp rút hoàn thành khu trại cho kỹ sư tư vấn và trại của BĐH.

Mùa này, ở Xiêng Khoảng là mùa khô. Ruộng lúa của bà con đã trơ trọi toàn gốc, cây cối vàng lá, khô cong. Ở đây, nông dân chỉ có tập quán trồng lúa nước 1 vụ trong năm mà thôi, hết mùa mưa coi như đồng ruộng bỏ hoang cho trâu bò tha thẩn gặm cỏ và họ đợi đến mùa mưa sang năm mới lại làm. Tôi nhận thấy vì địa hình ở đây hầu hết là đồi núi nên vào mùa khô không thể lấy đâu ra nước để cấy lúa cả. Con đường xuống cấp bất cứ lúc nào có xe cộ chạy qua là lại bụi mù thứ bụi đỏ quạch của vùng núi. Tôi vẫn nhớ chỉ cần đi ra VP KSTV cách chỗ chúng tôi ở trọ 5km và quay về là quần áo và đầu tóc phủ một lớp bụi vàng. Có một loại trái cây mà từ trước đến giờ tôi thấy ở XK là ngon nhất đó là quả đu đủ. Mọi người đi tuyến về mua cơ man nào là đu đủ. Quả nào quả nấy cứ như quả khổng lồ, có lẽ phải 3-5kg một quả. Mỗi lần bổ một quả có mà đánh vật. Ngọt cực. Cũng chỉ năm đó tôi được ăn đu đủ ngon đến thế, những năm sau tôi ko còn cảm thấy ngon như vậy nữa và cũng không thấy nhiều như thế nữa.

Khí hậu vùng núi làm tôi thấy dễ chịu mặc dù đã bước sang mùa đông. Buổi sáng trời xe lạnh và sương mù giăng khắp. Đến gần trưa sương tan, mặt trời ló ra chói chang như mùa hè, về chiều trời hiu hiu gió heo may như mùa thu. Đêm đến lại như mùa đông. Cái khí hậu này làm tôi liên tưởng đến Đà Lạt ở Việt Nam (tôi chưa từng đến Đà Lạt lần nào). Cho dù là mùa đông hay mùa hè thì tôi cũng vẫn nằm đệm đắp chăn bông. Cái này làm tôi thích nhất vì không bị cái nóng rình rập cả ngày lẫn đêm. Tôi vẫn giữ thói quen tập thể dục buổi sáng. Tôi chạy bộ lên một quả đồi nhỏ ở gần chỗ trọ, hít thở không khí trong lành vào buổi sáng thật thích.

Tôi học bồi vài từ tiếng Lào và cũng mạnh dạn đi chợ. Dĩ nhiên là đi với mọi người. Hàng hóa ở đây cũng đa dạng nhưng đa phần là hàng Trung Quốc, hàng Thái Lan cũng có nhưng với vốn kinh nghiệm của mình về xuất xứ hàng hóa quá ít ỏi tôi khó phân biệt được chúng. Hóa mĩ phẩm thì là hàng Thái, còn các đồ dùng thì là hàng Tầu. Buồn cười lắm cơ khi tôi cứ chỉ vào từng loại hàng hóa mà hỏi "cái này là gì?". Dân buôn bán ở đây rất dễ chịu kể cả là mình hỏi hàng hóa mà không mua họ vẫn vui vẻ không như ở Việt Nam. Cứ liều như thế tôi cũng biết được khối từ và bắt đầu tự tin giao tiếp với người dân ở đây.

(Còn tiếp)

Huy lại đi khám mắt

Sau gần 1 tháng kiểm tra mắt, đi khám lại thấy BS khẳng định là mắt Huy đã loạn thị thật, BS nhấn mạnh là loạn viễn. Theo như BS thì loạn viễn ít nguy hiểm hơn loạn cận. Chưa ảnh hưởng đến mắt nhiều, tuy nhiên cần phải chăm sóc mắt hơn, tra thuốc (vì còn bị viêm kết mạc), đeo kính và khẩu trang khi đi ra đường... Mẹ lo lắng quá cũng chẳng giảm được vấn đề. BS hẹn tái khám sau 6 tháng. Hy vọng mắt con sẽ ko sao và tốt lên.

Nhân thể mẹ cũng khám luôn, hic mắt mẹ còn tệ hơn. Nhưng BS bảo giảm sử dụng máy vi tính thì hơi khó cho mẹ vì công việc của mẹ là làm việc với máy tính mà. Uống thuốc và tra mắt thường xuyên thôi con ạ.