Thứ Năm, 2 tháng 8, 2007

Xây dựng thực đơn cho trẻ từ 1 - 3 tuổi

Ở lứa tuổi này bữa ǎn hàng ngày của bé rất quan trọng. Có thể nói sự quan tâm và chăm sóc khoa học của các bậc cha mẹ sẽ giúp bé phát triển tốt cả về thể lực, trí tuệ và làm đà tốt cho sự tǎng trưởng của những thời kỳ tiếp theo.
Một bữa ăn đầy đủ và cân đối về dinh dưỡng cần có đủ các yêu cầu sau:
Đảm bảo đủ 4 nhóm thực phẩm
- Nhóm chất bột đường: bột, cháo, cơm, mỳ, bún... Đây là nguồn cung cấp năng lượng chính trong khẩu phần ăn và chuyển hóa chất trong cơ thể.
Nhu cầu nǎng lượng ở lứa tuổi này là 110calo/kg cân nặng. Trẻ nặng khoảng 9 - 13 kg cần 900 – 1.300 kcal trong đó, tỷ lệ giữa các thành phần sinh nǎng lượng nên là: Đạm: Béo: Đường bột = 15: 20: 65.
Nǎng lượng cần đủ cho hoạt động cơ thể của trẻ và để tích lũy giúp thúc đẩy sự lớn lên của các tổ chức.
- Nhóm chất đạm: thịt, cá, tôm, cua, tào phớ, các loại đỗ hạt, đậu tương… giúp xây dựng cơ bắp, tạo kháng thể, đặc biệt là sự phát triển của các tế bào não.
Với trẻ nhỏ cần ưu tiên các loại đạm động vật như: thịt, sữa, trứng, cá , tôm. . . vì chúng có giá trị cao, có đủ các axit min cần thiết cho sự tǎng trưởng và phát triển của trẻ. Ngoài ra đạm động vật còn giàu các yếu tố vi lượng như sắt, kẽm, vitamin A giúp cho cơ thể trẻ khỏe mạnh, tǎng sức đề kháng với bệnh tật.
Nên phối hợp đạm động vật với đạm thực vật (đậu đỗ, vừng, lạc...) để tạo nên sự cân đối giúp hấp thu và sử dụng đạm tốt hơn.
Nhu cầu chất đạm của trẻ từ 1 - 3 tuổi là 28g/ ngày. Không nên cho trẻ ǎn quá nhiều đạm vì sẽ gây gánh nặng cho gan, thận. Chất đạm chỉ phát huy tác dụng cao khi có đủ nǎng lượng.
- Nhóm chất béo: Dầu, mỡ, bơ… vừa cung cấp nǎng lượng cao, làm tǎng cảm giác ngon miệng lại giúp trẻ hấp thu và sử dụng tốt các vitamin tan trong chất béo như vitamin A, D, E, K....
Mỗi bát bột, bát cháo cần cho thêm 1 -2 thìa cà phê mỡ hoặc dầu.
Mỡ lợn, mỡ gà rất tốt cho trẻ vì trong thành phần các loại mỡ đó có các axit béo không no cần thiết như: axit lioleic, axit liolemc, axit arachidonic rất cần thiết cho quá trình phát triển của trẻ.
- Nhóm chất xơ: rau quả giúp chuyển hóa các chất và tăng cường chất đề kháng, cung cấp vitamin và khoáng chất.
Rau quả có màu vàng, đỏ, da cam vừa là nguồn cung cấp caroten (tiền vitamin A) vừa là nguồn cung cấp vitamin C.
Nguồn sắt tốt có trong thức ǎn thực vật là đậu đỗ và các loại rau có màu xanh sẫm. Sắt có trong thức ǎn động vật hấp thu tốt hơn trong thức ǎn thực vật nhưng trong rau quả lại có nhiều vitamin C giúp cơ thể hấp thu và sử dụng sắt có hiệu quả hơn.
Nước
Trẻ cần nhiều nước hơn người lớn để chuyển hóa và đào thải các chất cặn bã, để điều chỉnh nhiệt độ cơ thể… Vì vậy, nếu thức ăn quá cô đặc hoặc trẻ không được uống đủ nước thì sự tiêu hóa và hấp thu của trẻ cũng sẽ kém đi.
Nhu cầu nước của trẻ từ 10 - 15% tính theo trọng lượng cơ thể (Trẻ nặng 10kg cần một lượng nước 1 – 1,5l/ngày).
Mùa nóng, trẻ cần nhiều nước hơn mùa lạnh.
Dinh dưỡng và an toàn thực phẩm
Thịt cá, rau quả phải tươi sống, đảm bảo an toàn không thuốc trừ sâu hay hóa chất
Thức ăn chế biến sẵn như xúc xích, cá mòi, ruốc, phô mai, sữa chua… nên lựa chọn thương hiệu uy tín về chất lượng cũng như về an toàn thực phẩm.
Thức ăn nấu chín nên ăn ngay. Nếu chưa dùng phải đậy nắp và để tủ lạnh, khi dùng phải nấu lại vì có một số vi khuẩn vẫn phát triển ở nhiệt độ 5 - 10 độ C.
Thịt, cá và rau quả cần rửa sạch dưới vòi nước chảy, không nên cắt nhỏ và ngâm trong nước vì sẽ làm mất đi một số vitamin tan trong nước (vitamin C, nhóm B, axit folic…). Riêng rau củ như khoai tây, cà rốt thì nên rửa nhẹ nhàng trong chậu nước sau khi đã gọt vỏ để giảm thiểu vitamin hòa tan vào nước vì các vitamin thường nằm ngay dưới lớp vỏ.
Thức ǎn của trẻ cần chế biến từ mềm đến cứng, từ ít đến nhiều để trẻ quen dần. Nên thái, bǎm từ rất nhỏ đến nhỏ vừa; nấu từ rất mềm đến mềm vừa đến cứng để tạo cảm giác ngon miệng và giúp rǎng lợi, cơ nhai, cơ tiêu hóa phát triển.
Thường xuyên thay đổi cách chế biến để tạo cảm giác ngon miệng.
Hạn chế cho trẻ ǎn đồ ngọt (bánh kẹo). Chỉ nên cho trẻ ǎn bánh, kẹo sau bữa ǎn.
Sau khi cai sữa cần có chế độ ǎn riêng cho trẻ, không bắt trẻ ǎn chung quá sớm với người lớn sẽ ảnh hưởng tới tiêu hóa của trẻ.
Giờ ăn
Khoảng cách giữa các bữa ăn của trẻ (từ 1 - 3 tuổi) là từ 3 - 4 tiếng.
Giờ ăn lý tưởng nhất là bắt đầu lúc 6h sáng và kết thúc lúc 20h, tức là trẻ được ăn 6 bữa một ngày trong đó có 2 bữa chính (11h và 16h30 - 17h).
Bữa muộn nhất chỉ nên cho trẻ uống sữa, chứ không nên cho ăn các loại thực phẩm khác vì sẽ khiến dạ dày phải hoạt động, gây khó ngủ.
Bữa sáng nên cho bé ăn đủ 3 nhóm: tinh bột (một bát mỳ, phở, bún, súp), sữa và một chút hoa quả.
Nếu trẻ không bú mẹ thì bạn nên cho trẻ ăn thêm 200 – 250ml sữa vào mỗi đêm. Nếu không muốn bé ăn đêm thì bạn nên lui thời gian cho bé ăn bữa cuối lại hoặc bắt đầu bữa đầu tiên sớm hơn.

Không có nhận xét nào: