Thứ Hai, 20 tháng 8, 2007

Huyền thoại về Cụm tình báo H.63 anh hùng

Kỳ 4: Mỹ nhân của cố vấn Hải quân Mỹ!

(VietNamNet) - Năm 1966, theo yêu cầu của tổ chức, chiến sĩ tình báo Tư Cang - chỉ huy lưới H.63 - được điều vào nội thành hoạt động. Lúc này, gia đình Tám Thảo là sự lựa chọn số một bởi bình phong quá an toàn. Cũng trong năm này, Tám Thảo được lệnh dừng làm liên lạc cho Hai Trung bởi công việc ngày càng phức tạp. Thay vào đó, cô phải tập trung học tiếng Anh, kiếm tấm bằng loại ưu để xin vào làm việc cùng người Mỹ.

>> Kỳ 3: Đồng đội, duyên phận và những ám ảnh cuộc đời>> Kỳ 2: Tiểu thư Thành đô sống như... tiểu thuyết>> Kỳ 1: "Hoa trong tuyến lửa"

Đi vào “cửa tử”

Với vẻ đẹp sang trọng, thông minh và vỏ bọc gia đình giàu có, cô lần lượt vượt qua những vòng thử thách khó khăn, thậm chí cả “chạy tiền” cho sĩ quan cấp dưới, để lọt được vào vị trí phiên dịch cho thiếu tá Tình báo Hải quân Mỹ, cố vấn của Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam Cộng hoà.

Trong mắt lính Cộng hoà, Mỹ Nhung là kiểu con nhà giàu đi làm để kiếm chồng quan toLúc này, nhiệm vụ của cô đã bắt đầu chuyển sang giai đoạn khác. Hàng ngày, cô đến sở, dịch tài liệu ngược xuôi về tin tức tình báo hải quân cho “sếp”. Đến khi Đảng yêu cầu lấy tài liệu ra, để tránh nghi ngờ, nếu tài liệu bằng tiếng Việt thì cô lại dịch sang tiếng Anh rồi mang về nhà cho ông Tư Cang... dịch lại.

Thỉnh thoảng, thời gian cần kíp, cô “cầm tạm” luôn tài liệu về nhà vào đúng giờ nghỉ trưa để cho anh Tư trên lầu chụp. Đến khi phiên làm việc chiều bắt đầu thì tài liệu cũng đã nằm gọn gàng trở lại. Nhiều lúc, gặp những tài liệu không thể mang về, cô buộc phải tự nhớ trong đầu rồi về tóm lược cho chỉ huy lưới.

Cô hoạt động trong suốt thời gian dài mà không để lại một mảy may nghi ngờ nào. Thậm chí, có lần mải nói chuyện say sưa, cô còn sơ ý hỏi viên chỉ huy: “ủa, sao đồng chí nói vậy?”. Cũng may, anh chàng tưởng cô nhại “giọng Việt Cộng” để bông lơn nên không thèm để ý.

Nhiều lần, thấy cô giải thích vanh vách thế nào là “ở trong R” (ở trong rừng, cách gọi của trung ương đầu não), tụi Mỹ rất ngạc nhiên, hỏi “sao cô như Việt Cộng vậy”? Cô thản nhiên trả lời: “Các ông coi kẻ thù là Việt Cộng, tôi làm việc cho các ông thì tôi phải nghiên cứu giùm các ông chứ”.

Tuy nhiên, bên cạnh cái vẻ phớt Ăng-lê như thế, cô vẫn luôn phải thận trọng để giữ kín bình phong. Thỉnh thoảng, cô còn đi du lịch trong và ngoài nước, khi thật khi giả, để tránh sự nghi ngờ của địch mỗi lúc có chuyện phải vào rừng đột xuất.

Thậm chí, cô còn được ngưỡng mộ là người... chịu chơi, bởi lương tháng có 800 đồng mà dám chi vài ngàn chỉ để đi nghỉ ở Pháp.

Vì lẽ đó, trong mắt lính Cộng hoà, cô là kiểu con nhà giàu đi làm để kiếm chồng quan to, còn trong mắt bà con hàng xóm, cô là kiểu phụ nữ ôm chân Mỹ mơ giấc mộng nhà lầu. Cô biết vậy mà chẳng cần thanh minh, thậm chí còn tỏ ra rất “chảnh” để giữ an toàn.

Chỉ đến khi nào còn lại một mình với ba, cô mới thoả lòng khóc và kể cho ba nghe những gì còn ấm ức, bởi chỉ có ba cô là người thương và hiểu cô nhất.

Quyền năng của người đẹp

Làm việc ngay trong lòng địch, sơ hở một phút là chết liền, thế nên nguyên tắc đầu tiên của cô là phải sống thật. “Nếu không sống thật thì mình sẽ chết thật”. Chính vì thế, không ít lần cô đập bàn, nổi nóng, thậm chí giang tay tát thẳng vào mặt tên sĩ quan chỉ vì dám nói năng sàm sỡ.

Trong mắt bà con hàng xóm, cô là kiểu phụ nữ ôm chân Mỹ mơ giấc mộng nhà lầu
Cô kể, hồi sau Mậu Thân, có viên sĩ quan Mỹ mới sang nên sợ Việt Cộng lắm. Anh ta dò hỏi ông trung tá trưởng phòng là sao cô giống Việt Cộng vậy, bởi thấy cô nói năng chẳng ra vẻ sợ gì? Ông trung tá gạt phắt ngay: “Trời, tính cô vậy đó, nào có sợ ai. Gia đình cô ấy giàu lắm, đâu cần tiền”. Thế rồi, ông ta tuôn ngay một kỷ niệm “kinh hoàng” về người đẹp.

Bữa đó, ông ta kêu cô làm thêm giờ, nhưng cô không làm. Cô bảo: “Tôi phải về chơi, nghỉ ngơi với gia đình”. Nói kiểu gì cô cũng không nghe, ông trung tá giận lắm, vỗ bàn đánh đốp một cái, quát lên: “Đi làm có thêm tiền, tại sao cô không đi?”.

Cũng không vừa, cô đứng phắt dậy, đập bàn đánh đốp thêm cái nữa, rắn rỏi trả lời: “Ông có ngày chủ nhật của ông, tôi cũng có ngày chủ nhật của tôi. Tôi không cần tiền thêm giờ của ông, tôi cần thời gian ở với ba mẹ”.

Sợ quá, ông trung tá im liền. “Bà chằn này chịu chơi như vậy, không bao giờ có thể là Việt Cộng đâu”.

Bận khác, một viên trung sĩ coi bảng lương vốn ghen ghét cô vì thấy người đẹp cứ đi chơi hoài mà vẫn được sếp cưng, thậm chí có hôm 9 giờ cô mới tới. Hôm nào mà cửa hàng đông khách, cô còn nghỉ tít luôn ở nhà để giúp mẹ.

Phải chấm công nên anh chàng ức lắm, một hôm chờ đến buổi giao ban mới hất hàm hỏi: “Nè, giờ giấc của cô thế nào đó? Tại sao 9 giờ chưa có mặt, 12 giờ đã thấy mất tiêu. 3 giờ chiều mới thèm tới sở?”.

Cô thản nhiên trả lời: “Sao anh hỏi tôi? Tôi đi thông dịch cho sếp, anh muốn biết thì hỏi sếp tôi đó”. Nói rồi cô quay đi, biết chắc rằng viên trung sĩ chẳng bao giờ dám mở miệng hỏi quan thầy Mỹ. Mà cho dù hắn có hỏi thì cô cũng chắc chắn sếp sẽ bênh cô, bởi cô biết tính ông ta, chỉ cần làm hiệu quả chứ đâu ngồi tính thời gian.

Dần dần, cô càng củng cố hình ảnh về mình: một tiểu thư nhà giàu, đi làm chỉ vì mê Mỹ và thích khoe sắc khoe tài mà thôi. Ai biết đâu rằng, những ngày nghỉ cô không thèm làm thêm là để dành thời gian ra căn cứ, còn những lúc đi muộn về sớm là khi cô phải làm nhiệm vụ đột xuất, hoặc chờ cho người chỉ huy Tư Cang sao chép hết tài liệu để gửi đi cho kịp giờ.

Còn viên trung sĩ, nuôi cơn ấm ức trong thời gian dài, có bữa mới quyết định “trả đũa”. Một hôm, cô phải chuyển một lá thư của sếp sang cho anh chàng. Thấy bàn anh ta để tùm lum bừa bộn, cô hỏi đặt đâu bây giờ.

Anh chàng mới học được non nửa “ngón nghề” của cô nên cũng ra bộ kênh lắm, đáp thọt lỏn “để thùng rác đó”. Lập tức, cô xé toẹt cái bao thơ ra rồi ném thẳng vào thùng rác, nói ngắn gọn: “Tui bỏ đó đó” rồi đóng cửa cái rầm.

Về phòng họp, cô tới gặp thẳng sếp, kể lại chuyện rồi nhẹ nhàng: “Tui xin lỗi, ông vừa ký chưa ráo mực mà tôi đã làm vậy là khiếm nhã”. Viên thiếu tá Mỹ vội xua tay: “Không sao đâu, cô làm vậy là rất đúng”.

Ở bàn bên kia, cô thư ký người Việt kéo vội cô ra góc, thì thầm: “Thôi chị ơi, em làm cho chị cái khác nha, lúc đó chị điên cái đầu hay sao?”. Cô trả lời: “Nó điên cái đầu chứ tao điên à?”. Viên thiếu tá biết cô vẫn đang giận nên xuống giọng: “Cô đừng bực, để đó tôi ký lại cho”.

Xong xuôi, cô lại đem thơ xuống, hỏi: “Bây giờ tôi để đâu?”. Anh ta chỉ tay lên bàn rồi thẽ thọt: “Cô để đâu cũng được”.

Không có nhận xét nào: