Kỳ 11: "Điệp viên tay mơ" thành người Việt trầm lặng
(VietNamNet) - Những câu chuyện từ thuở chính thức nhận lời bác sĩ Thạch "làm điệp viên chiến lược" (1952) cho tới năm 1954 đã được chính Hai Trung mổ xẻ: "Thời gian làm tình báo đến giữa năm 1954, Hai Trung đã có nhiều kinh nghiệm hoạt động nguyên tắc, đặc biệt là quan hệ giữa người và người, nhưng anh ta vẫn là một điệp viên tài tử miệng còn hôi sữa, nhưng rất nhiệt tình, có nhiều tin".
>> Kỳ 10: "Mùi" của một điệp viên>> Kỳ 9: Chuyến đi của "con sói cô độc">> Huyền thoại về Cụm tình báo H.63 anh hùng - Phần 1>> Người giữ khoá bí mật ở Bộ Tổng tham mưu VNCH
Nắm rõ từng bước đi đầu tiên của Mỹ - Diệm
Những năm chui vào phòng 5 Bộ Tổng tham mưu, là bí thư của Phạm Xuân Giai, cấp bậc thượng sỹ đồng hoá (dân sự chuyển ngạch - NV), Trung làm điệp viên như một... cái máy, cứ thấy có tài liệu nào ghi chữ "phổ biến hạn chế", "mật", "tuyệt mật" là "vồ lấy vồ để", vồ như vồ gà, rồi đem tất cả về cho "anh Ba".
Đặc biệt, Trung khoái tìm các tài liệu chiêu hồi, tài liệu chiến tranh tâm lý.
Trong cái cảnh tranh tối tranh sáng của buổi "giao ban" giữa hai đế quốc Mỹ - Pháp về quyền và vai trò ảnh hưởng đối với mảnh đất Nam Việt Nam thì những kẻ làm thuê luôn tìm mọi cách bảo vệ quyền ảnh hưởng cũng như vai trò của "ông chủ". Tất nhiên, bảo vệ “ông chủ” cũng chính là bảo vệ quyền lợi cho bản thân họ.
Cuối năm 1954, Phạm Xuân Giai và Tổng tham mưu trưởng Nguyễn Văn Hinh dự tính làm cuộc đảo chính Diệm - người đang được ông chủ Mỹ hậu thuẫn ghê gớm trong việc xây dựng lực lượng.
Cuộc đảo chính thất bại. Hinh và Giai "té" ra nước ngoài. Trung khốn đốn vì bị đám tướng lĩnh của Diệm nghi ngờ, điều tra. Nhưng cái vẻ lành lành, cộng thêm một chuyện may mắn tình cờ vào đúng thời gian đảo chính đã giúp Trung có được hai chữ "vô can".
Mỹ bắt đầu thế chân Pháp, nhưng mọi chuyện không dễ dàng vì trong hàng ngũ sĩ quan còn rất nhiều người theo Pháp. Hai Trung do biết cả tiếng Anh, tiếng Pháp nên được chuyển qua làm người liên lạc cho phái bộ Mỹ và đám sĩ quan Việt Nam Cộng hoà – những người đang được Mỹ lôi kéo và gấp rút đào tạo.
Có mặt tại quân trường Thủ Đức trong khoảng thời gian này với vai trò người phiên dịch, Hai Trung có thời gian tiếp cận, giúp đỡ những sĩ quan cốt cán từ những ngày đầu trong chế độ Diệm, khi 6 sư đoàn khinh quân đầu tiên được người Mỹ thành lập và huấn luyện.
Tất nhiên, khi hoàn thành xong công việc bình phong, Hai Trung không bao giờ trở về tay không. Toàn bộ tư liệu, tài liệu giảng dạy đều được Trung "cuỗm sạch" mang về cho anh Ba.
Dấn thân với đủ loại người
Những thành công bước đầu khiến chàng trai trẻ mạnh dạn hơn trong việc đề xuất với cấp chỉ huy: Xin tiếp cận với các trùm an ninh Pháp như Cousseau, Savanni, thông qua sự giới thiệu của Đàm Quang Thiện và Đái Đức Tuấn (Tchya).
Tính bộp chộp của tuổi trẻ ở Trung khiến anh Ba phải nhanh chóng ngăn lại: "tích cực thế là tốt, nhưng phải biết mục tiêu mà đánh, phải so sánh lực lượng, không phải đụng chỗ nào cũng tấn công cả".
Để dạy thêm cho Trung, anh Ba bảo Trung mời một người đến nhà nói chuyện về thời cuộc, ông sẽ xuất hiện vô tình để xem cách Trung khai thác thông tin như thế nào. Nhân vật được chọn là Cao Hoài Phong, con trai Cao Hoài Sang - lúc bấy giờ là đương kim quyền Đức hộ pháp Cao Đài. Bài học về cách khai thác thông tin sau buổi nói chuyện giúp Trung hiểu thêm về "tầm cỡ" của một điệp viên phải như thế nào.
Vì vậy, suốt quãng thời gian năm 1955-1956, Trung vừa "vồ" tài liệu, vừa tiếp tục thắt chặt các mối quan hệ với giới sĩ quan trong việc giúp đỡ họ phỏng vấn, xin visa, đưa tiễn sang Mỹ, theo dõi làm báo cáo về học viên, thông báo cho gia đình ra đón khi học viên về nước.
Thậm chí, Hai Trung còn chẳng ngại giúp họ xách đồ khi người nhà sĩ quan từ Mỹ về đang lo mừng tủi ôm nhau. Đôi khi, nhiều viên sĩ quan “vô ý” xách về vài kiện hàng quá tiêu chuẩn, Hai Trung lại tự mình đi “xin” giúp bên hải quan, bởi ông đã có mối giao hảo từ trước.
Cũng từ đó, Trung dần lặn sâu vào giới sĩ quan quân sự người Việt - lớp "Mỹ con" được Mỹ đào tạo để thay thế sĩ quan thân Pháp, đồng thời tiếp tục phát triển mối quan hệ tin cậy với những nhân viên CIA đang có mặt tại Nam Việt Nam như Đại tá Lansdale - Trưởng phái bộ quân sự đặc biệt của Mỹ (SMM), tiến sĩ Parker – Giám đốc cơ quan Văn hoá Á châu (The Asia Foundation)... để từng tháng, từng năm tích luỹ kinh nghiệm, để cuối cùng trở thành "một điệp viên đã thách thức nước Mỹ", như lời mà Jean Claude Pomonti đã viết về ông.
Trở thành “đạo diễn” người Việt trầm lặng
Kinh nghiệm tích luỹ dần, cho đến năm 1956, Hai Trung biết tin người Mỹ muốn lập một lực lượng đặc biệt (biệt kích) cho quân đội Việt Nam Cộng hoà, tương tự lực lượng đặc biệt của Mỹ, chuyên thọc sâu vào hậu phương đối phương, đánh nhanh rút gọn nhằm mục đích phá hoại.
Kế hoạch này do Cơ quan huấn luyện lục quân hỗn hợp (CATO) tiến hành, được sự đồng ý của cấp cao nhất ở phái đoàn Mỹ là Thượng tướng Samuel William.
Tuy nhiên, sự hục hặc giữa phòng Quân huấn của Bộ Tổng Tham mưu và các sỹ quan CATO khiến kế hoạch này bị xếp xó.
Nắm rõ được nội tình, Trung khéo léo đến gặp thẳng Thiếu tướng Trần Văn Đôn - Tổng Tham mưu trưởng, đề nghị tướng Đôn nên "chấp nhận kế hoạch của họ nhưng triển khai là việc của ta". Nghe Hai Trung lý giải, tướng Đôn đồng ý ngay với chiêu thức này để không làm mất mặt người Mỹ.
Còn về phía Mỹ, trước đó Hai Trung đã nhận lời giúp đỡ nên việc được chuẩn y kế hoạch khiến Trung tá George Melvin - Trưởng phòng Huấn luyện quân sự Mỹ, người trực tiếp soạn thảo kế hoạch - hứng khởi ra mặt. Melvin còn mời Trung vào ăn trưa ở nhà ăn của cố vấn Mỹ, với đủ khuôn mặt các nhân vật CIA đình đám: Edward Lansdale, Rufus Philipps...
Tất nhiên, kế hoạch đậm chất cao bồi kiểu Mỹ đó đã thất bại. Mãi tới năm 1973, khi gặp lại Trung ở Sài Gòn, Melvin vẫn liên mồm chửi Bộ Tổng tham mưu Cộng hoà là "bọn ngu", trong khi ông ta không hề biết rằng, người đạo diễn vụ “tranh ăn” đó là một đại tá tình báo của Hà Nội.
Rút vào thầm lặng, phân tích và thiết lập quan hệ, tự tạo dựng bình phong và gây dựng lòng tin, cuối năm 1957, sau đám tang cha, Trần Văn Trung rời Sài Gòn qua Mỹ theo yêu cầu "học Mỹ để đánh Mỹ" của tổ chức.
Anh mang theo nhiệt huyết, hoài bão, và kiến thức về nhiệm vụ đã được dạy dỗ qua 5 người thầy mà mãi tới sau năm 1975, Đại tá Trần Văn Trung mới có điều kiện biết được tên thật của họ.
Gần đây nhất, trong phần kết của cuốn sách viết về Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn với tựa đề "Một người Việt Nam thầm lặng - Câu chuyện tuyệt vời về một điệp viên đã thách thức nước Mỹ", nhà báo kỳ cựu của tờ Le Monde (Pháp) Jean Claude Pomonti đã bộc lộ những nghi ngờ rằng cuộc sống của điệp viên huyền thoại này sau năm 1975 đã có nhiều khó khăn, thậm chí có sự cấm đoán trong việc tiếp xúc với các mối quan hệ của mình.
Nhưng chắc rằng, trước khi viết ra những lời nhận xét đó, nhà báo này chưa bao giờ được biết tới những bí mật từ thuở còn trẻ của Hai Trung: từ những câu chuyện về tình anh em đồng chí, những kỷ niệm đi biểu tình ngoài đường của cậu thanh niên Việt Minh Hai Trung cho tới những kinh nghiệm xương máu phải ẩn mình thật kỹ để bảo vệ cách mạng, những bài học về cái đuôi ngộ nghĩnh...
Đó là những điều mà chỉ những người có chung một dòng máu, một nghề nghiệp mới thấu hiểu được nhau.
Trong suốt cuộc đời mình, không ít lần trái tim kiên cường của nhà tình báo Hai Trung đã phải rung lên đầy xúc động, chỉ bởi một cái hôn vào má tạm biệt của người chỉ huy trước khi lên đường đi Mỹ, một dáng giao liên mảnh mai đi về tuyến lửa hay một lời căn dặn ấm áp nghĩa tình: Đảng và nhân dân sẽ không bao giờ quên ơn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét