Kỳ 12: "Tướng Givral" – Lý tưởng và tài năng bậc thầy
(VietNamNet) - Từng có những phản ứng khác nhau kể từ năm 1978, khi những đồng nghiệp, và cả những người một thời ở "phía bên kia" biết được Phạm Xuân Ẩn, tên thật là Trần Văn Trung, thường gọi là Hai Trung, vốn là điệp viên tầm cỡ của Hà Nội: Giận dữ, bàn luận, phân tích... nhưng hơn tất thảy, là họ kính phục tài năng, con người và lý tưởng cống hiến của ông.
>> Kỳ 11: "Điệp viên tay mơ" thành người Việt trầm lặng>> Kỳ 10: "Mùi" của một điệp viên>> Kỳ 9: Chuyến đi của "con sói cô độc">> Huyền thoại về Cụm tình báo H.63 anh hùng - Phần 1>> Người giữ khoá bí mật ở Bộ Tổng tham mưu VNCH
Lý tưởng – "viên gạch" đầu tiên cho chiến thắng
Sống trong lòng địch hơn 20 năm, tiếp xúc với đủ mọi loại người, Hai Trung quá hiểu những người mà ông đang âm thầm chiến đấu. Ông hiểu tại sao nhiều người trong số họ cứ điên cuồng cầm súng theo Mỹ để tàn sát đồng bào. Có người vì bị ép, có người vì túng bấn, có người vì muốn nhanh chóng nắm quyền lực nhờ núp bóng quan thầy...
Tiền, tình, địa vị, cuộc sống giàu sang theo tiêu chuẩn Mỹ là những cạm bẫy khôn lường. Chính vì thế, người chiến sĩ tình báo luôn tự mình phải học.
Khi đã chui sâu leo cao rồi, ông không thể trực tiếp nghe giảng những bài học dễ thương như cái "đuôi con" tiểu tư sản thuở nào. Thay vào đó, ông tìm cách học lại từ chính những tài liệu của kẻ địch. Thế nên, không phải ngẫu nhiên mà sau khi giải phóng, ông vẫn còn lưu giữ cẩn thận một tài liệu nghiên cứu có ghi "Tam giác thắng", được viết vào năm 1968, không đề tên tác giả.
Với luận điểm "Tất cả mọi phương pháp để thắng cộng sản", người viết vạch ra những nguyên nhân khiến cho chế độ miền Nam Việt Nam không bao giờ được nhân dân ủng hộ, từ đó chỉ ra đường đi, nước bước để lên dây cót tinh thần cho binh sĩ, nhằm củng cố vị trí chính trị trong mắt người dân. Tuy nhiên, lập luận vòng vo, cuối cùng chính tác giả đó cũng phải thừa nhận rằng, cái chính thể VNCH thua cộng sản vì một lý do lớn nhất: Thiếu một chủ thuyết lý tưởng để đi tới cái đích cuối cùng.
Tháng 6/2007, khi Chủ tịch nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Minh Triết gặp mặt đông đảo Việt kiều và báo giới tại quận Cam (Mỹ), Nguyễn Cao Kỳ (cựu Phó Tổng thống Việt Nam Cộng hoà, viên tướng râu kẽm một thời dẫn đầu phi đội máy bay của miền Nam Việt Nam ném bom Quảng Trị) đã phải tâm phục khẩu phục: "Tôi cũng từng tham vọng thống nhất đất nước. Nhưng hôm nay phải ngả mũ với những người đã làm được điều đó".
Còn Hai Trung – người anh hùng tình báo của Quân đội Nhân dân Việt Nam – đã khiến cả thế giới phải ngả mũ như thế nào?
Bậc thầy trong nghiệp: làm báo và tình báo
Sau khi chiến tranh kết thúc, Hà Nội công bố: Nhà báo lừng danh Phạm Xuân Ẩn là một điệp viên hạng nhất trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.
Ngay lập tức, Murray Gart, thông tín viên trưởng của Time trong thời gian chiến tranh đã gào lên "Ông Ẩn là một kẻ đáng ghét. Tôi muốn giết ông ta!". Trong khi đó, nhiều đồng nghiệp khác của ông thì bàng hoàng. Lý trí bảo họ phải tin vì Phạm Xuân Ẩn thừa tài năng để làm được điều đó. Nhưng trong lòng họ lại muốn nghi, bởi họ không dám nghĩ rằng một chiến sĩ cộng sản lại sống có trái tim với tất cả mọi người như vậy.
Đã quá nhiều người biết và viết về ông với khả năng hài hước, luôn là trung tâm của mọi cuộc tranh luận nảy lửa về tin tức, về nghề nghiệp. Thú vị hơn nữa, mỗi khi kết thúc cuộc nói chuyện với ông, phóng viên nào cũng có một món quà tự mang về cho chính mình: khi thì là một bản tin chính xác nhất cho hãng, khi thì là khám phá mới về văn hoá Việt Nam, đôi khi lại còn là một bài học về cách làm người - sống để đức cho con cháu.
Nhờ đó, cánh phóng viên tuyệt đối tôn trọng ông. Ngay cả chính những phóng viên chiến trường lúc bấy giờ ở Việt Nam cũng đã nghiêng mình gọi ông là "nguồn cung cấp tin tốt nhất tại Sài Gòn" (Thomas A.Bass) khi cùng bàn luận tại quán cà phê Givral, nơi lần đầu tiên ông được phong "tướng" bởi những đồng nghiệp đủ mọi quốc tịch: "Tướng Givral"!
H.D.S Greenway (thường được biết đến với cái tên David) là phóng viên có mặt ở Khe Sanh năm 1971, sau này cũng nhớ lại: "Tôi chứng kiến nhiều người lính bị thương được đưa từ Lào về. Tôi mô tả họ như những người sống sót từ các đơn vị dẫn đầu cuộc tấn công", nhưng ông Ẩn nói không phải, "đơn vị dẫn đầu đã bị xoá sổ. Những gì anh đang chứng kiến là những người sống sót khi đang cố gắng hỗ trợ nhưng cũng bị thất bại. Tôi nghĩ lại về chuyện này: Có vẻ như ông Ẩn được thông tin khá chi tiết. Đó chính là sự đánh giá mà bạn chỉ có thể có được khi biết rõ cả 2 bên đang làm gì trong chiến đấu".
Trên thực tế, chiến dịch Lam Sơn 719 thất bại thảm hại, khi quân đội Việt Nam Cộng hoà mở cuộc tiến công Lào với quy mô lớn năm 1971 thì Phạm Xuân Ẩn đang ở Sài Gòn. Chính ông là người đã đọc và chuyển về Hà Nội nội dung của chiến dịch Hạ Lào trước khi nó được thi hành. Ông giữ bí mật tuyệt đối cho nghề tình báo mà ông theo đuổi hai thập kỷ qua.
Còn với tư cách đồng nghiệp một người làm báo, ông đã cho Greenway một lời khuyên chính xác về bản chất của sự kiện. Lời khuyên có giá trị giữ gìn danh tiếng cho Greenway (người mà năm 1973 đã rời khỏi tờ Time và sau này trở thành biên tập viên của tờ Boston Globe), bởi cũng trong thời gian này, chính Jean Claude Pomonti cũng bị đánh lừa bởi "những thành công của chiến dịch" trong những bản tin mà phóng viên này chuyển về Pháp.
Đó chỉ mới là khúc gút của câu chuyện về nghề làm báo của Phạm Xuân Ẩn trong việc tôn trọng đồng nghiệp và tinh thần tương hỗ của những phóng viên, thông tín viên của các hãng lớn ở Sài Gòn đang có sự cạnh tranh khốc liệt về tin tức. Ông nói rằng, ông tuyệt đối tuân thủ "tinh thần thể thao" trong nghề nghiệp mà báo chí Mỹ đã dạy cho ông.
Chính vì vậy, những đồng nghiệp của ông thời bấy giờ đã phải kính trọng nhà tình báo - nhà báo cộng sản này, dẫu cho nhiều tác phẩm mà họ viết về ông, dù muốn hay không, cũng cố áp đặt góc nhìn có hơi hướng chính trị lên những sự kiện liên quan đến cuộc đời vị thiếu tướng tình báo đầy giai thoại và huyền thoại này.
Bí mật sau những bản tin
Tháng 7/1964, tất cả các nhà báo ở Sài Gòn cố gắng tìm kiếm nguồn xác minh thông tin "Mỹ có đổ quân và bao giờ Mỹ đổ quân vào Nam Việt Nam?". Câu trả lời liên quan đến thượng tầng chóp bu của chính giới Mỹ. Tất nhiên, chóp bu của Mỹ tại Sài Gòn là toà đại sứ.
Một buổi tối, tại quán bar La Cigale, viên bí thư của đại sứ Cabot Lodge ngật ngưỡng bước vào với bộ quần áo chim cò, khoác vai một cô gái đẹp. Không phải những lần "tung tin để nhận tin", trao đổi tin tức như trước, viên bí thư chỉ mong một đêm ăn chơi tới bến vì "một tuần nữa tôi về nước rồi".
Sau mỗi bản tin của nhà báo Phạm Xuân Ẩn là một bí mậtTrong đêm đó, bản tin của Reuters đánh đi từ Sài Gòn: "Một tuần nữa, Mỹ thay đại sứ ở Nam Việt Nam". Sự nhanh nhạy nghề nghiệp của Phạm Xuân Ẩn giúp cho Reuters có bản tin độc quyền trước các hãng, dù sau đó chính ông đã phải mất thời gian bị an ninh Việt Nam Cộng hoà thẩm vấn để tìm hiểu nguồn tin, được ông kiên quyết bảo vệ vì "chính người Mỹ dạy tôi như vậy".
Nhưng có một câu chuyện chưa bao giờ được kể: Sau khi bản tin của Reuters đánh đi, Phạm Xuân Ẩn đã nhấc máy gọi cho đồng nghiệp "có cái tin như vậy, coi thử sao", không phải để tìm kiếm người "chia lửa" những rắc rối phát sinh, mà bởi nguyên tắc "thi đấu thể thao" giữa những người làm cùng nghề, mà ông đã thấm nhuần. Trước và sau câu chuyện này, ông vẫn thường xuyên làm như vậy.
Đúng 1 tuần sau khi bản tin được phát đi, Maxell Taylor sang Nam Việt Nam thay cho H.C. Logde, khẳng định sự chính xác của bản tin mà Hai Trung đã gửi. Đồng thời khẳng định chắc chắn Mỹ sẽ tiếp tục tăng cường quân số ở Nam Việt Nam.
Thời điểm đó, Hai Trung nhận định: "Mỹ không đổ quân vào thì bọn ngụy chỉ có chết mà thôi. Vì vào đầu năm 1965, cho đến khi Mỹ đổ quân thì mỗi tuần chúng bị mất một quận lỵ và 1 tiểu đoàn quân chính quy". Nhận định này bắt nguồn từ vị trí của một nhà báo có nhiều nguồn tin và đầu óc của một điệp viên chiến lược biết phân tích từ chiều hướng chiến lược từ những nguồn tin rời rạc đó.
Trong một trang hồ sơ tuyệt mật, Hai Trung tự nhìn lại quãng thời gian phục vụ cho Reuters: "Trong quãng thời gian 1960 đến 1964, Reuters luôn là hãng thông tấn có những bản tin tốt nhất, nhanh nhất gửi đi từ Sài Gòn".
Và tất nhiên, trong những bản tin đó đều có bàn tay, khối óc của Phạm Xuân Ẩn.
Ghi điểm trong đảo chính
Trước vụ đảo chính năm 1963 đúng 3 năm, trong đêm 11/11/1960, lính dù của Diệm cũng đã từng đảo chính. Nguyễn Chánh Thi, Tư lệnh lực lượng dù, người được tạp chí Time mệnh danh là "chuyên gia đảo chánh" và cũng là một trong bốn người được Diệm “thương như con”, được cho là cầm đầu.
Khi đó, Phạm Xuân Ẩn đã là nhân viên chính thức của Reuters, đồng thời ăn lương tại Sở nghiên cứu chính trị văn hoá xã hội (Phủ Tổng thống) của trùm mật vụ Trần Kim Tuyến và ở cả Việt Tấn Xã.
Thời điểm đảo chính xảy ra lúc 4 giờ sáng. Ngay sau khi xác minh thông tin từ cả phe đảo chính (Nguyễn Chánh Thi, Vương Văn Đông) lẫn phe Diệm - Nhu, chính Phạm Xuân Ẩn đã đến tận nhà báo động cho Trần Kim Tuyến: "Đảo chính thật rồi. Ông không dắt vợ con trốn đi, nằm nhà chờ lính dù đến bắt hả". Với Lê Văn Thái, nhân viên của Tuyến, ông cũng đích thân đến báo động để Thái đi trốn.
Tuy nhiên, sáng sớm hôm sau, sau khi tìm cách gửi điện tín tin tức đi, thấy thái độ chần chờ của Nguyễn Chánh Thi trước cửa Phủ Tổng thống, Phạm Xuân Ẩn hỏi ngay: "Lính dù vây chặt rồi, sao không tiến vào đi đại tá?". Lập tức, Thi văng miệng: "Đ.má, mày làm nhà báo mà còn nóng hơn tao làm nhà binh!". Linh tính nghề nghiệp đã báo cho ông: "câu chuyện còn dài".
Trên thực tế, đúng là Nguyễn Chánh Thi có ý định đảo chính thật, nhưng kế hoạch của ông ta không phải vào ngày đó, chẳng qua bị đám sĩ quan gí súng ngắn vào đầu ép phải làm. Sự chần chừ của Thi trong việc chờ thương thuyết đã khiến Phạm Xuân Ẩn mạnh dạn khẳng định: cuộc đảo chính sẽ thất bại!
Rốt cuộc, đúng như dự đoán. cuộc đảo chính thất bại chỉ trong vòng vài ngày ngắn ngủi như Reuters nhận định. Ẩn chính thức "lên điểm" trong mắt của hãng tin này, đồng thời trở thành ân nhân của của Tuyến lẫn Thái vì "có ơn" cứu mạng.
Quan trọng hơn, nội tình cuộc đảo chính của “con” đối với “cha” mà Hai Trung báo cáo đã giúp cho Hà Nội cũng có những bản báo cáo chính xác về phương hướng chiến lược của Mỹ - Diệm trong thời gian ngắn sau này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét