Kỳ 7: Sống giữa lằn ranh
(VietNamNet) - Nghề tình báo có những điều rất đặc biệt. Sống với mưa, anh phải là hạt mưa. Sống trong nắng, anh lại là giọt nắng. Nhưng dù bão táp có quật dữ đến đâu thì cội rễ nguyên sơ trong mỗi giọt mưa nắng ấy vẫn còn. Giữa bủa vây súng ống trên đất Sài Gòn nhiều cạm bẫy, tại sao những con người như Phạm Xuân Ẩn, Nguyễn Thị Mỹ Nhung vẫn có thể sống an toàn? Đơn giản, bởi họ luôn giữ cái cội rễ nguyên sơ nhất: tính người và chất người Việt Nam.
>> Kỳ 6: Giữa lòng địch để tang Bác Hồ>> Kỳ 5: Cứu đồng đội bằng cách... chia lửa về nhà>> Kỳ 4: Mỹ nhân của cố vấn Hải quân Mỹ!>> Kỳ 3: Đồng đội, duyên phận và những ám ảnh cuộc đời>> Kỳ 2: Tiểu thư Thành đô sống như... tiểu thuyết>> Kỳ 1: "Hoa trong tuyến lửa"
Thế nào Việt Cộng?
Những ngày sống trong lòng địch, Tám Thảo luôn được các đời thiếu tá tình báo Mỹ yêu mến. Dù mang dáng vẻ rất “chảnh” của một tiểu thư con nhà giàu, nhưng chưa bao giờ cô tỏ ý đành hanh, ăn hiếp bất kỳ ai trước.
Sống giữa lằn ranh mong mang, Mỹ Nhung vẫn giữ được an tòan vì luôn giữ được cái cội rễ nguyên sơ nhất: tính người và chất người Việt Nam!
Những cú đập bàn, bạt tai cô chỉ “tung ra” khi biết có thể rơi vào vòng nguy hiểm, bởi trong mắt chúng, Việt Cộng là... cái gì đó... rất bí hiểm. Nếu cô lập luận sắc sảo - thế nào cũng bị nghi là Việt Cộng. Nếu cô chăm chỉ làm việc - Việt Cộng đây. Còn nếu cô tuân lệnh làm tròn nhiệm vụ - không ai khác ngoài Việt Cộng.
Hồi Phạm Xuân Ẩn đi học ở Mỹ, chỉ vì... học giỏi quá mà có lần bà giáo Mỹ phải soi mục kỉnh lên: “Mày là Việt Cộng hay sao mà học giỏi thế?”. Dẫu chỉ là câu hỏi chơi chơi, nhưng kể từ đó, Phạm Xuân Ẩn... dừng ngay chuyện chăm chỉ học hành.
Ông hiểu ngay, với người Mỹ, ông cần ứng xử như ông là chính họ: thích nói dóc, hay bông đùa, nói ngắn gọn nhưng luôn luôn thực dụng nhất.
Kết thân một thời gian, một hôm, Tám Thảo hỏi thẳng “sếp” Mỹ: “Này, ông có biết tại sao các ông sẽ thua không?”. Trố mắt ra nhìn, viên thiếu tá Mỹ ngạc nhiên hỏi: “Sao cô nói vậy?”.
Cô lạnh lùng trả lời: “Các ông thua vì các ông là người ngoại quốc. Các ông đến đây, không dành thời gian nghiên cứu, chỉ đến, ra lệnh, rồi về. Trong khi Việt Cộng là con đẻ ở đây. Họ sống chết ở đây, họ giành độc lập cho họ chứ họ không có xâm lăng ai. Do vậy, họ có cơm ăn cơm, có cháo căn cháo, có súng đánh bằng súng, có cuốc đánh bằng cuốc. Họ có thể chiến đấu từ đời này sang đời kia, ông, cha, con, cháu, miễn khi nào các ông rời khỏi hẳn quê hương họ. Còn các ông chỉ sang đây 18 tháng, 6 tháng đầu mới tìm hiểu việc, 6 tháng sau mới bắt đầu làm, 6 tháng cuối thì đi nghỉ với vợ, hết HongKong rồi lại Hawaii... Trong khi đó, Việt Cộng thì chỉ có mỗi một mục đích là làm sao có được độc lập. Tôi hỏi, nếu phải vậy thì ai sẽ thua?”
Viên thiếu tá nghe xong, vã mồ hôi hột, nhưng vẫn không quên chất vấn “sao cô nói giống giọng Việt Cộng thế?” Cô lại trả lời: “Tôi cũng là người Việt Nam nên tôi hiểu họ nghĩ gì. Đã làm việc cho các ông thì tôi phải tìm hiểu kỹ về Việt Cộng. Nhưng các ông không bao giờ nghe cả, các ông lúc nào cũng tự đắc là ông lớn mà thôi...”
Một lúc sau, viên thiếu tá gật gù, bởi chính bản thân cậu chàng cũng đâu quan tâm tới cuộc chiến. Ở bên Mỹ, cha cậu là giảng viên đại học, mẹ dạy đàn piano nên cậu chàng cũng có máu mê văn chương, nghệ thuật lắm.
Vì phải sang Việt Nam làm nghĩa vụ nên suốt thời gian ở đây, cậu chàng không bao giờ dám ra ngoài một mình, chỉ thích ngồi đàm đạo văn chương với Tám Thảo. Có việc gì cần đi đâu, cậu chàng đều nhờ Tám Thảo giúp, vì cô nói năng, lập luận vững vàng, đến sĩ quan ở đây còn phải kiềng nể.
Sau này, trong tài liệu Những thất bại của tình báo Mỹ trong chiến tranh Việt Nam do CIA công bố, một trong những lý do thất bại mà Mỹ phải công nhận chính là vì Mỹ đã quá chủ quan và tự kiêu về uy lực của mình.
Rất nhiều sĩ quan tình báo Mỹ được cử sang chiến trường Việt Nam mà không thèm học tiếng Việt. Họ thậm chí không cần biết người Việt là ai, văn hoá Việt Nam là thế nào, bởi Mỹ luôn số một.
Trong khi đó, ngay từ lúc người Pháp còn chưa chịu chấp nhận là Mỹ sẽ thế chân tại Đông Dương, những nhà lãnh đạo của Việt Nam đã nhanh chóng gửi Hai Trung sang Mỹ học tập.
Họ đã nhìn thấy rõ kẻ thù của đất nước ngay khi đối phương chưa hoàn toàn xuất đầu lộ diện.
Những giờ tự học
Sống thẳng thắn, không sợ bất kỳ dèm pha nào, nhưng nhiều lần Tám Thảo vẫn phải nếm những cái bẫy điều tra, thậm chí còn bị công khai thẩm vấn qua máy phát hiện nói dối. Song bản lĩnh và trí tuệ luôn giúp cô giành chiến thắng trước cặp mắt cú vọ và những cỗ máy tâm lý hàng đầu.
"Tiểu thư" Tám Thảo hồn nhiên nhớ lại những kỷ niệm với viên thiếu tá hải quân mê văn chương
Thậm chí sau này, một vài người mới đến còn tỏ ý ngờ cô là Việt Cộng, nhưng chính những người làm việc lâu năm với cô lại... gạt phắt ngay: “Cô mà là Việt Cộng thì cả cái Bộ Tư lệnh Hải quân này cũng là… Việt Cộng hết”.
Làm việc một thời gian dài, Tám Thảo cũng cảm mến viên thiếu tá mê văn chương nọ. Kém cô gần 8 tuổi nên có chuyện gì khó khăn trong cuộc sống riêng, cậu lại tìm đến Tám Thảo. Đôi khi, chỉ vì một câu thơ hay, một thoáng tiết trời đẹp, cậu thiếu tá lại mời cô đi uống cà phê, nói chuyện về gia đình, về cuộc sống.
Trong chiến tranh, là đối thủ, nhưng ở mỗi bên chiến tuyến, họ lại đều là những con người. “Anh là người Mỹ, tôi là người Việt, tại sao anh có quyền mang súng bom đến đất nước này để nói rằng nước Mỹ đang đem lại... tự do? Tôi phải cầm súng lên chính là vì lẽ đó. Nhưng khi thay bỏ quân phục, anh cũng là con người. Anh có cha, có mẹ, có những giấc mơ về một gia đình hạnh phúc. Nào ai muốn chính gia đình mình phải ly tán, đổ máu, tù đày? Chỉ khi phải trực diện với nỗi đau nào đó, người ta mới hiểu được giá trị của lương tri con người hay sao? Nếu anh là người tốt, anh có thể trở thành bạn tôi. Nhưng nhìn những chuyến hàng chở đạn mà anh ký nhận hằng ngày, nhìn những người đồng đội của tôi bị tra tấn trong hầm tối, bị thủ tiêu, tôi không thể không nói anh là kẻ thù được” - Tám Thảo lý giải với lòng mình, trong những lần đi cùng thiếu tá Mỹ mê văn chương.
Được huấn luyện tinh thần cách mạng từ khi 16 tuổi, thế nhưng không biết bao lần Tám Thảo cũng phải trăn trở đấu tranh với chính mình như thế. Có những lúc căng thẳng quá, cô phải tìm đến sự che chở của ba. Cô hạnh phúc vì có ba bên cạnh, nhưng càng hạnh phúc bao nhiêu thì cô càng hiểu rằng đang có những gia đình bất hạnh bấy nhiêu, bởi chỉ vì chiến tranh mà mỗi người mỗi ngả.
Năm 1968, Tảm Thảo kể, có một viên sĩ quan Mỹ cao lớn, đẹp trai đến Bộ Tư lệnh. Vừa chân ướt chân ráo về, cậu chàng dính ngay phải trận đánh khốc liệt Mậu Thân. Cô vẫo nhớ như in cảnh cậu chàng to cao lừng lững, ngồi sụp xuống ôm quả B40, núp bên chậu kiểng.
Bà Tám Thảo hồi tưởng lại những tháng ngày sống giữa lằn ranh giữa bạn và thù, chỉ một mình và chưa một lần vấp ngã
Nhìn thấy cô, nó kể chuyện nó có cái ảnh Việt Cộng, nhưng bảo “Cô đừng coi. Cô coi đêm về không ngủ được”. Nghe vậy, Tám Thảo hiểu ngay tấm ảnh đó là gì.
Suốt mấy hôm sau, những lời bàn tán về nhiều “tên Việt Cộng” bị đánh, bị tra xét dã man càng chà xát lên lòng cô nỗi đau mất nước. Cô ngồi nghe, ức muốn rớt nước mắt mà vẫn phải yên lặng, không hé răng một lời.
Thấy cô căng thẳng quá, tụi lính liền bảo: “Thôi cô về đi, đừng ngồi nghe làm gì cho tội thân”. Tám Thảo đứng dậy, xách túi ra về. Vào đến nhà, cô mới dám khóc.
“Chục năm theo nghề cũng giúp mình biết được ai tốt ai xấu, ai bạn ai thù. Về con người, ai cũng có những điều đáng quý. Nhưng về công việc, nếu đấy lại là kẻ thù thì mình phải chiến đấu, phải đuổi ra khỏi đất nước thôi”, cô nói.
Cái biên giới giữa bạn và thù cứ mong manh như thế, vậy mà Tám Thảo cứ đi suốt cả chục năm ròng: đi một mình mà vẫn thẳng người, không một lần vấp ngã.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét