Thứ Hai, 20 tháng 8, 2007

Huyền thoại về Cụm tình báo H.63 anh hùng:

Kỳ 2: Tiểu thư Thành đô sống như... tiểu thuyết
(VietNamNet) - Đứng ở góc nhìn giai cấp và lý tưởng, không ít người đã từng băn khoăn hỏi: Tại sao một tiểu thư con nhà tư sản, đẹp và giàu có như Mỹ Nhung (Tám Thảo) lại xuất hiện trong cuộc chiến tranh này?

>> Kỳ 1: "Hoa trong tuyến lửa"

Nếu hiểu chiến tranh dưới góc độ ý thức hệ giai cấp: Cộng sản – Tư bản, thì rõ là giai cấp mà cô xuất thân hoàn toàn xa lạ với giai cấp công nông. Người công nhân, nông dân đấu tranh để giành cơm no, áo ấm, độc lập dân tộc và công bằng xã hội, để có cuộc sống tốt đẹp hơn. Còn sự hy sinh của Tám Thảo và gia đình cô trong cuộc chiến này lại là một lát cắt khác mà không phải học giả nào cũng có thể lý giải được.

"Hoa" truyền đơn

Chuyện về cô khó có thể bắt đầu bằng hình ảnh nào khác ngoài một bức tranh về người con gái đẹp bước ra từ nhung lụa.

Là con một gia đình tư sản giàu có ở Sài Gòn, ngay từ bé, Mỹ Nhung chẳng phải làm gì, chỉ biết học, chơi và xem tiểu thuyết. Cô mê những con người trong thế giới chữ nghĩa, mê những truyện ngắn đăng báo hằng tuần của Thế Lữ, mê tiểu thuyết của các nhà văn Tự Lực Văn Đoàn.

Những câu chuyện về một lớp thanh niên trí thức cứ trăn trở tìm đường làm cách mạng lôi cuốn cô suốt một thời thiếu nữ. Cô đọc chỉ để... chơi. Nhưng ai dè, chơi rồi thành thật. Cái đẹp, cái bi của những cuốn tiểu thuyết anh hùng rốt cuộc lại vận vào chính cuộc đời cô.

Năm 1948, tiểu thư Mỹ Nhung theo gia đình rời Sài Gòn về Vĩnh Long kháng chiến. Khi ấy cô mới 16 tuổi, chưa từng biết nấu nướng, chỉ mê sách, điện ảnh và hoa. Thế nên trong hành trang chiến đấu, vũ khí của cô chỉ là... tiểu thuyết.

Hàng ngày, cô bé Nhung được tận mắt chứng kiến cảnh các chị bên hội phụ nữ đi rải truyền đơn. Trước mỗi lần “xuất trận”, các chị đều kín đáo đặt truyền đơn lên một góc xe hơi, đợi đến khi xe nổ bánh, gió thổi bạt lại làm tung tròn những lá truyền đơn lên không trung rồi rụng xuống lả tả. Cô nhìn mà cứ mê đi vì cảnh rải truyền đơn... “đẹp hơn cả tiểu thuyết!”.

Mê quá rồi, cô nằng nặc đòi theo, nhưng đều bị các chị gạt phắt đi vì “còn con nít”. Các chị biết giải thích thế nào cho bé Mỹ Nhung hiểu đây, rằng đằng sau những “chùm hoa” truyền đơn đó là đòn roi, là trừng phạt, là tù đày đang giăng lưới?

Phải đến sau này, khi đã thực sự trải qua ranh giới khốc liệt giữa cái sống và cái chết, cô mới hiểu rằng khoảnh khắc “đẹp hơn tiểu thuyết” ấy chỉ là phút giây thăng hoa tột đỉnh của một chuỗi dài gian nan, nguy hiểm đến chết người.

Thiếu nữ Sài Gòn trên chiếc xuồng hoa

Không được đi rải truyền đơn, song Mỹ Nhung vẫn không chịu lùi bước. Nhân lúc có người chèo đò ngang sông, cô liều nhảy xuống xin quá giang để được đi “chiến đấu”. Bà cô bắt đi lên, nhưng cô nhất định ở lại và tìm kế... trốn. Mãi rồi cũng lần mò được ra chiến khu, cô tiếp tục tự đi tìm tổ chức.

Khi thực sự trải qua ranh giới khốc liệt giữa cái sống và cái chết, cô mới hiểu rằng khoảnh khắc “đẹp hơn tiểu thuyết” ấy chỉ là phút giây thăng hoa tột đỉnh của một chuỗi dài gian nan, nguy hiểm đến chết người. Tại đây, sau khi tìm được người chị gieo “chùm hoa” truyền đơn cũ, cô xin được một công việc rất vinh quang của tuổi 16. Đó là hằng ngày, bé Mỹ Nhung phải tập... dậy sớm và học bơi xuồng. Sướng quá, cô tiểu thư vốn quen được chiều chuộng gật đầu nhận ngay.

Thế là từ đó, cứ sáng sớm, cô lại đẩy xuồng ra giữa dòng sông, tập bơi, tập lái. Nhưng với cô, chèo xuồng khó đến độ cô toàn lóng ngóng để nước tràn vào trong. Dưới ánh nắng lung linh, xuồng của cô cứ quay tròn trên mặt nước. Chẳng biết làm sao, cô đành ghé tạm bên những bụm hoa trôi, vừa để neo xuồng tát nước, vừa tranh thủ... hái hoa rồi chất đầy lên khắp xuồng.

Đến khi biết chèo rồi, cô nhận thêm nhiệm vụ đưa cán bộ qua sông. Cứ mỗi khi nghe tiếng gọi “Mỹ ơi” (tên gọi thời ở chiến khu), cô lại tất bật đẩy xuồng ra giữa dòng đón cán bộ. Ở đây, cô đã gặp một con người mà đến tận bây giờ, cuộc đời của ông vẫn là kho bí mật chưa tiết lộ.

“Cuộc đời tôi có nhiều cái may mắn, thuở bé đã được gặp một trong những anh hùng tình báo vĩ đại nhất Việt Nam, lớn hơn thì làm đồng đội với chính họ: anh hùng Phạm Xuân Ẩn, anh hùng Tư Cang...”.

Những lần gặp gỡ của cô chỉ là khoảnh thời gian đưa người sang sông, nhưng đến tận bây giờ, khi chiến tranh đã qua thêm nửa cuộc đời nữa, ấn tượng của cô về người cán bộ đó vẫn còn nguyên vẹn.

“Buổi sáng đầu tiên đưa anh đi, nhìn anh cười, tôi tin anh ngay lập tức. Anh không đẹp, mắt lé, da ngăm ngăm, nhưng nụ cười của anh thì luôn nói với mọi người rằng, anh là người tốt”.

Thế rồi sáng nào cũng vậy, ông được cô bé Mỹ Nhung chở đi trên chiếc xuồng bé xíu chất đầy hoa. Đến khi chiều xuống, ông trở về, trên tay luôn là một bó hoa rừng nho nhỏ. Cô không biết ông đi đâu, làm gì, nhưng nhìn là biết chặng đường của ông dài tới cỡ nào, bởi khi được tặng cho cô thì bó hoa đã rủ héo.

Nhận hoa, cả cô và ông cùng cười. Những bông hoa ấy sau này cứ cuộn hương đi theo cô trong suốt hành trình bí mật. Nó giống như sợi dây nối thiêng liêng giữa những người đồng đội: họ thậm chí có thể tìm thấy nhau, nhận ra nhau chỉ trong linh cảm. (Trong các loạt bài tiếp theo, VietNamNet sẽ tiếp tục công bố những bí mật về chân dung và tầm vóc của người anh hùng vĩ đại này).

Hai năm sau, khi vừa tròn 18 tuổi, cô được kết nạp Đảng. Cũng trong năm đó, ba cô trở thành Đảng viên. Nhớ lại giây phút biết tin ba cũng vào Đảng, cô vẫn cười tinh nghịch. “Ông cụ theo lễ giáo nhà Nho, rất nghiêm khắc nhưng cũng rất dân chủ với các con. Ngày ba cô được kết nạp, cô cứ chọc ba hoài, vì ba con lại cùng một năm tuổi Đảng”.

Ba cô, dù đứng trong hàng ngũ tư sản, nhưng ông chưa bao giờ quên nói với các con về quê hương, về dân tộc, về những người cùng khổ. Với cô, ông là hình mẫu lý tưởng còn trên cả tiểu thuyết, bởi ông luôn hướng cô đi theo những con đường thiện trên đời.

Đường về với Cách mạng

Những năm đầu 1940, đất Sài Gòn rất quen thuộc với tiệm vải Tân Mỹ. Chủ cửa hàng, ba cô – ông Nguyễn Đăng Phong – vốn là người Kinh Bắc. Sau khi đưa cả gia đình vào Nam lập nghiệp, chỉ trong một thời gian ngắn, lòng đại hiệp và khả năng kinh doanh nhanh nhạy của ông đã biến Tân Mỹ thành một thương hiệu có tiếng thời bấy giờ.

Ngày đó, gia đình cô sống cạnh nhà hai “đại gia” nổi tiếng - một người Hoa, một người Ấn - trên đường Gia Long (Lý Tự Trọng ngày nay). Khi hè sang, ba mẹ cô thường đưa các con về “nhà mát” ở Bạc Liêu chơi. Gọi là “nhà mát” bởi đó là nhà chỉ để... nghỉ mát. Căn nhà nằm ngay cạnh tư dinh của ông Hội đồng Trạch – gia đình bên chồng của “người đẹp Tây Đô” Lâm Thị Phấn.

Gia đình Tám Thảo
Sống giữa toàn các bậc đại gia và những người ngoại quốc giàu có, gia đình cô rất hiểu cái màu ẩn phía sau đồng tiền. Thế nên ba mẹ cô luôn hướng ngược về những người đồng bào đói khổ.

Mỗi khi vợ chuẩn bị sinh, ông lại đưa bà về Bắc để cho các con được chào đời và được ngấm cái hồn thiêng của quê cha đất tổ. Chính vì thế, đến bảy mươi năm sau, các con ông, cứ ai có dịp ra Hà Nội lại nhất định phải về thăm quê cũ, dẫu cho ở đó chỉ còn vài mảnh ký ức rất xa xăm.

Năm 1945, nghe theo lời kêu gọi của cụ Hồ, mẹ cô góp toàn bộ đồ nữ trang bằng vàng cho cách mạng. Đến khi Tây về (23/9/1945), gia đình cô phải tản cư vào Vĩnh Hưng, giáp với Cần Thơ. Biết nhà cô giàu có, ba má quan hệ rộng, quen biết từ tỉnh trưởng cho tới địa chủ nên tụi quan Tây treo giá 5.000 đồng để kiếm ba cô về theo chúng.

Ngày đó, cô bé Mỹ Nhung còn nhỏ, đâu biết 5.000 là giá làm sao, chỉ nhớ khi em cô đòi ăn khoai lang, má liền cho 1 hào. Bé em mang 1 hào đi đổi lấy 1 củ khoai lớn mang về, khiến cô bán hàng phải sấp ngửa đuổi theo để... thối lại tiền.

Nhưng tới năm 1946, trên đường về Sài Gòn trị bệnh, ba cô bị chỉ điểm bắt. Biết tính ông cụ ngang tàng, không chịu luồn cúi nên quan Tây nghĩ ra một chiêu độc để moi tiền. Chúng lôi người bà con của gia đình ra đánh cho hộc máu mũi ngay trước mặt ông. Thương quá, ba cô liền nộp 12.000 đồng tiền Đông Dương để chuộc. Còn với những người ở chung, hễ cứ ai bị mất gì thì ba má cô lại đền giúp.

Đến khi cạn túi, ba cô đành trở về Bắc Ninh cùng hai cô con gái út. Mỹ Nhung và các anh chị khác tá túc tại Vĩnh Long với người họ hàng. Cái duyên đưa cô tới Vĩnh Long để làm nghề tình báo bắt đầu từ những chuyện gập ghềnh như vậy.

"Tổ Quốc là trên hết"

Sau này, trong những ngày ở chiến khu, cô thiếu nữ Sài Gòn đã rung động trước một người lính cũng mê văn học không kém. Thời ấy, “thơ ca thúc đẩy sự nhiệt huyết của tôi nhiều lắm”. Ở chỗ cô, ai cũng thuộc lòng khổ thơ đầu của Tố Hữu:

“Đời cách mạng từ khi tôi đã hiểu
Dấn thân vô là phải chịu tù đày
Là gươm kề cổ súng kề tai
Là thân sống chỉ coi còn một nửa”



Nhưng thơ ca thôi cũng không đủ làm cho chiến tranh dừng bước. Yêu nhau không được bao lâu, ông phải đi tập kết. Ngày ông lên đường, cô hớt hải chạy đi tìm. Song nỗi trớ trêu của tiểu thuyết cũng chẳng từ cô: khi Mỹ Nhung vừa đến thì ông lại vừa đi.

Hai người không kịp nói với nhau dù chỉ một lời tạm biệt, để rồi suốt gần 20 năm sau đó, hình ảnh của ông cứ không thôi ám ảnh trong cô.

Năm 1954, khi Hiệp định Geneve được ký kết, cô liền xin tập kết ra Bắc để gặp người yêu. Nhưng ông Mười Hương - chỉ huy của cô bấy giờ - thuyết phục cô ở lại, bởi người thầy tình báo ấy rất hiểu, trong cô còn có một tình yêu lớn nữa: tình yêu Tổ Quốc.

Ông còn hiểu rõ, nếu cô ra đi, cuộc chiến trong Sài Gòn sắp tới có thể sẽ khốc liệt hơn, bởi không dễ gì tìm ra một gia đình tư sản yêu nước ngay trong nội thành như vậy. “Em mà ra Bắc, không ai liên lạc được với gia đình thì cơ sở mất một căn cứ tốt”.

Nghe vậy, cô đắn đo một lúc rồi trả lời: “Vâng, thế em ở lại. Tổ Quốc là trên hết”.

Không có nhận xét nào: