5% số trẻ em lười bú ngay khi vừa sinh ra. Lên 2 tuổi, tỷ lệ biếng ăn lên đến 30-40%. Lỗi này không ai mà phần lớn do các bậc cha mẹ gây nên.
Những quan niệm sai lầm
Bé Phạm Thị Nam, Hà Nội, chào đời nặng tới 4kg. Thế nhưng, sau 4 tháng, bé chỉ nặng có 6kg và hai năm sau cũng chỉ nặng 8kg. Mẹ của bé, chị Lê Thị Ngọc, đã học mấy cua dạy về cách nấu ăn dặm cho trẻ nhưng tình hình không được cải thiện lắm.
Cuối cùng, chị Ngọc đã đưa con tới Viện dinh dưỡng khám với lý do chán ăn và còi cọc. Chị cho biết, vì lý do công việc, bé Nam bắt đầu ăn sữa ngoài, ăn dặm từ tháng thứ 4. Nhưng càng ngày cháu càng lười ăn. Mặc dù rất cẩn thận, bao nhiêu thức ăn bổ dưỡng, chị đều cho vào cháo cho con. Vậy mà mỗi bữa cháu ăn hơn 1 tiếng đồng hồ, với vài thìa cháo và ăn trong tiếng quát mắng hoặc dỗ dành.
Hãy cho trẻ những bữa ăn ngon và vui vẻ
Tình trạng như của bé Nam không phải là hiếm. Không ít cảnh mẹ bế con dọc tuyến phố, bà nội lếch thếch đi theo để đút từng thìa cháo, chỉ trỏ đến mỏi cả tay, khô cả miệng. Có gia đình còn thuê cả xích lô hoặc đưa trẻ lên xe buýt đi khắp các phố để dỗ trẻ ăn.
Bà Phan Thị Bích Nga, Phó Giám đốc TT Khám tư vấn Dinh Dưỡng cho biết, mỗi ngày TT khám cho khoảng 150 - 200 trẻ, trong đó loại trừ khoảng gần 10% trẻ béo phì, còn hầu hết là do biếng ăn và các chứng bệnh kèm theo như: suy dinh dưỡng, còi xương, rối loạn tiêu hoá, viêm đường hô hấp...
Theo bà Nga, trẻ biếng ăn khi ăn không đủ lượng yêu cầu của lứa tuổi, thời gian ăn kéo quá dài trên 30 phút.
Biếng ăn là triệu chứng của rất nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân hay gặp nhất là do phương pháp chăm sóc không đúng của cha mẹ. Nhiều bà mẹ biến bữa ăn của trẻ thành cuộc chiến, trẻ bị ép ngồi gò bó, bị la, bị nhồi nhét dù không thấy đói...
Hơn nữa, cách chế biến chưa phù hợp cũng khiến trẻ không mặn mà với chuyện ăn uống. Nhiều phụ huynh cứ lặp lại mãi công thức cho cả khoai tây, xu hào, cà rốt, đậu xanh… trăm thứ bà rằn, những thứ được coi là bổ, cho tất vào nồi cháo và xay nhỏ. Chính họ còn không ăn được thứ hỗn hợp đó huống gì trẻ kén ăn.
Cũng không ít bà mẹ chỉ cho con ăn nước thịt, nước rau, mà bỏ bã dẫn đến trẻ bị thiếu các chất dinh dưỡng, chất xơ cần thiết, kích thích ăn uống.
Lại có gia đình cho trẻ tập ăn cơm khi trẻ mới 10-12 tháng. Về lý thuyết, chỉ khi trẻ hơn 2-3 tuổi, đủ răng mới có thể nhai tốt. Nếu cho ăn sớm quá, trẻ sẽ không ăn được nhiều, dẫn đến quen dạ, biếng ăn dần.
Bú mẹ giúp kích thích tiêu hóa
GS.TS Nguyễn Thu Nhạn, Chủ tịch Hội Nhi Khoa Việt Nam, nhấn mạnh, hiện nay trẻ biếng ăn nhiều một phần là do các bà mẹ nuôi con bằng sữa nhân tạo.
Các bà mẹ đã không biết rằng, nếu cho trẻ bú hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời và tiếp tục bú đến 2 tuổi, sữa mẹ sẽ giúp cho dạ dày bé to ra, đường tiêu hoá phát triển, giúp bé thèm ăn, trong khi sữa nhân tạo không kích thích sự phát triển này. Các nguyên nhân biếng ăn khác có thể điều trị bằng thuốc, xong nguyên nhân này không có thuốc gì điều trị được.
Ngoài ra, để giúp trẻ ăn ngon, ăn tốt hơn, các bà mẹ cần học cách chế biến và tạo bữa ăn vui vẻ.
Theo bà Nga, để chữa dứt điểm biếng ăn phải dựa vào nguyên nhân. Chẳng hạn, bé biếng ăn do thiếu máu phải điều trị thiếu máu. Biếng ăn do còi xương, tâm lý, nhiễm khuẩn... cũng phải điều trị khỏi, bé sẽ bớt biếng ăn.
Nhưng quan trọng hơn cả vẫn là cách chế biến bữa ăn. Các bà mẹ phải chú ý nấu cho trẻ cũng giống như nấu cho người lớn, phối hợp thức ăn cho phù hợp (thịt với rau không được trái nhau), tránh suốt ngày cho một vài vị cố hữu vào như xu hào, khoai tây...
Tuyệt đối không trộn ý dĩ, hạt sen, đậu xanh vào gạo để nấu cho trẻ. Thực tế, ý dĩ, hạt sen không có ý nghĩa về mặt dinh dưỡng thậm chí còn làm trẻ khó tiêu hoá. Đậu xanh là cách ăn của thời bao cấp, chỉ khuyến khích ở các vùng nghèo.
Bữa ăn của trẻ rất cần chất đạm, đặc biệt là đạm động vật. Chất đạm cho bé hàng ngày là 1g cho mỗi kg cân nặng (tối đa là 1,5g). Trẻ cần ăn đạm động vật, thịt trứng, rau, cua, cá thay cho đạm thực vật.
Nếu cho trẻ đạm thực vật cũng chỉ nên cho ăn 1 -2 lần/tuần và phải phối hợp với đạm động vật. Cũng không nên cho trẻ ăn nhiều rau quá, vì trẻ còn nhỏ, rất khó tiêu hoá chất xơ ... khiến chậm lên cân.
Không nên ép trẻ ăn theo một chế độ cứng nhắc (ăn khoán). Tuyệt đối không được dọa nạt trẻ. Nên dỗ dành để trẻ cảm thấy thoải mái khi ăn, nếu trẻ ăn không hết suất thì không cố ép.
Không kéo dài bữa ăn. Không cho trẻ ăn bánh kẹo hoặc uống nước ngọt trước bữa ăn; vì nước ngọt và bánh kẹo sẽ gây cảm giác “no giả tạo” khiến trẻ không muốn ăn nhưng thực chất là trẻ thiếu dinh dưỡng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét