Còn nhớ lúc đi học cách nấu bột cho con, BS bảo phải tô màu bát bột của con, to như thế nào mới đúng nhỉ?
Các bà mẹ đưa con đến khám dinh dưỡng thường than vãn về vấn đề trẻ con biếng ăn. Nhưng bên cạnh nguyên nhân phổ biến này, cũng có một số thắc mắc có vẻ ngược đời khi “Con ăn nhiều mà vẫn suy dinh dưỡng”. Tại sao? Câu trả lời là:
Nhiều nhưng không đủ
Mẹ cho rằng con ăn nhiều, nhưng thực chất lại không đủ về số lượng cần thiết trong từng bữa ăn, hoặc ăn không đủ số bữa trong ngày. Ví dụ, nhu cầu của trẻ là phải ăn đầy một chén cháo mỗi bữa, ngày ăn ba bữa cháo và 800ml sữa. Mẹ cho ăn 2/3 chén hoặc ngày chỉ ăn hai bữa, uống thiếu sữa trong ngày… là không đủ cho nhu cầu của trẻ.
Nhiều lượng nhưng ít chất
Số lượng nhiều nhưng không chất lượng: thiếu chất đạm (thịt, cá, trứng, đậu hủ) hoặc thiếu dầu mỡ…
Nhiều nhưng đơn điệu
Ăn nhiều và thường xuyên một loại thức ăn nào đó có thể làm cho cơ thể thiếu cơ hội thu nhận các thực phẩm khác, dẫn đến thiếu chất và không có sự tăng trưởng toàn diện.
Nhiều nhưng dư thừa
Đưa vào cơ thể trẻ số lượng thức ăn vượt quá khả năng tiêu hoá của trẻ. Trẻ sáu tháng tuổi chỉ ăn được tối đa là nửa chén (100ml), nếu cho ăn nhiều hơn, bé sẽ không có đủ men tiêu hoá hết. Phần thức ăn này sẽ không thể hấp thu vào cơ thể khiến bé no hoặc gây tiêu chảy làm bé chướng bụng, khó tiêu nên không chịu uống sữa, rối loạn tiêu hoá và sụt cân.
Nhiều chất đạm không cần thiết
Cho con ăn quá nhiều chất đạm làm bé khó tiêu, giảm ăn, giảm bú.
Nhiều nhưng không phù hợp
Ở mỗi cơ thể trẻ, khả năng tiêu hoá, hấp thu thức ăn khác nhau nên có thể trẻ ăn nhiều so với trẻ đồng tuổi nhưng lại quá sức so với trẻ. Vì vậy, cần phải gia giảm giữa lượng ăn và lượng sữa để trẻ có sự tiêu hoá phù hợp và trẻ được phát triển tốt nhất. Một số trẻ có bệnh lý ở đường ruột, bệnh gan mật, bệnh di truyền, bệnh dị ứng, bất dung nạp thức ăn… làm hạn chế khả năng tiêu hoá, hấp thu thức ăn.
Theo BS Đào Thị Yến Thuỷ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét