Thứ Ba, 4 tháng 9, 2007

Huyền thoại về Cụm tình báo H.63 - phần 2

Kỳ 15: Người Hà Nội "ở phòng chỉ huy quân đội Mỹ"

(VietNamNet) - Một chi tiết từng được Thomas A. Bass nhắc đến: Khi các bản báo cáo của Trần Văn Trung gửi ra Hà Nội, những cấp trên của ông từng vui mừng thốt lên: "Chúng ta đang ở ngay trong phòng chỉ huy cuộc chiến tranh của Mỹ".
>> Kỳ 14: "Nghệ thuật ẩn mình" của một điệp viên>> Kỳ 13: “Tướng Givral” - Đạo đức của "người biết chửi">> Kỳ 12: "Tướng Givral" –Lý tưởng và tài năng bậc thầy >> Kỳ 11: "Điệp viên tay mơ" thành người Việt trầm lặng >> Kỳ 10: "Mùi" của một điệp viên >> Kỳ 9: Chuyến đi của "con sói cô độc" >> Huyền thoại về Cụm tình báo H.63 anh hùng - Phần 1 >> Người giữ khoá bí mật ở Bộ Tổng tham mưu VNCH
498 bản tin, có phân tích và nhận định của cá nhân, trên quan điểm của một điệp viên nằm sâu trong lòng địch, từ 1961 - 1975, có thể chỉ là những con số thống kê vô hồn.
Nhưng lời nhận xét của những người có trách nhiệm đánh giá về giá trị tin tức do Hai Trung chuyển về có thể hé lộ một phần ánh sáng của câu chuyện: "Từ năm 1961 đến tháng 4/1975, lưới đồng chí 2T đã phục vụ được nhiều tài liệu nguyên bản, những chủ trương chiến lược của Mỹ trong chiến tranh đặc biệt, chiến tranh cục bộ và Việt Nam hoá chiến tranh.
Trong mỗi thời kỳ chiến lược, đồng chí đã phát hiện sớm những ý đồ chuyển hướng chiến lược của địch. Những kế hoạch quân sự từng thời kỳ và các biện pháp chiến lược của địch; những kế hoạch quân sự hằng năm; những ý đồ chủ trương lên thang xuống thang của Mỹ - ngụy đều được báo cáo kịp thời và chính xác... góp phần vào công cuộc giải phóng miền Nam thống nhất đất nước".
Sẽ rất khó có lời đánh giá nào cao hơn về công lao đóng góp của Trần Văn Trung.
Nhưng ai cũng muốn biết, Hai Trung đã có những tài liệu nào và đã có như thế nào?
Cú thoát hiểm ngoạn mục
Đầu năm 1961, Hai Trung vừa bắt lại được liên lạc thông qua Tám Thảo. Ngay sau đó, Trung chuyển vào căn cứ tài liệu McGarr "Technics and Tactics of Counter Insurgency".
Tận dụng mối quan hệ rộng rãi của mình, Hai Trung thường xuyên thu thập tin tức và tài liệu từ các tướng lĩnh quân đội Mỹ và VNCH
Bản tài liệu do tướng Mỹ Lionel McGarr, chỉ huy trưởng MANAG soạn với nội dung "tập trung chống cộng sản và du kích về quân sự; còn những vấn đề chính trị, hành chính và kinh tế cũng chỉ tập trung nhằm mục đích chống cộng". Tài liệu này Hai Trung được Trần Kim Tuyến, Lê Văn Thái (Sở nghiên cứu chính trị - văn hoá - xã hội) đưa cho để nghiên cứu, góp ý, sau đó sao y bản chính gửi ra căn cứ.
Rất bất ngờ, tài liệu bí mật quân sự của Mỹ do Hai Trung lấy về được tóm tắt lại rồi đem đăng trên tạp chí Quân đội giải phóng, để phổ biến rộng rãi ý đồ của địch một cách... nhanh nhất.
Mà tài liệu chính là điệp viên. Bởi, bất cứ cơ quan tình báo nào cũng dễ dàng truy ra tung tích của tài liệu, nguồn xuất phát, từ đó dò tìm ra điệp viên, nếu bắt được tài liệu.
Chỉ có 3 nguồn để có bản tài liệu này: Bộ tổng tham mưu, The Asia Foundation và tình báo VNCH, hoặc từ Sở nghiên cứu chính trị của Tuyến.
2T mò sang Bộ tổng tham mưu thăm hỏi, nhưng không thấy động tĩnh. Chỉ thấy quan thầy lo sốt vó.
Bỏ qua BTTM, chỉ còn 2 nguồn. Trung đến gặp Đặng Đức Khôi, tung tin thăm dò "chắc là tài liệu ngụy tạo nội bộ nhằm hại nhau, hoặc do Việt Cộng tung ra nhằm ly gián".
Để phối kiểm cho chắc ăn, Trung sang Sở nghiên cứu chính trị gặp Tuyến, Thái, thấy hai người này "thở" ra giọng điệu giống hệt Khôi.
Thời điểm đó, Sở nghiên cứu chính trị (được Ngô Đình Nhu bảo kê) chịu sự "cạnh tranh" khốc liệt của Đoàn công tác đặc biệt miền Trung dưới tay Ngô Đình Cẩn nhằm "hất cẳng" sự ảnh hưởng của ông anh trai đang là Cố vấn của Tổng thống Diệm.
Trong khi đó, người Mỹ cũng tỏ ra không thích thú gì khi có một cơ quan mật vụ có quyền lực bao trùm cả miền Nam Việt Nam, vốn đang được nuôi sống bởi đô la, vũ khí, viện trợ Mỹ nhưng lại không chịu tuyệt đối tuân theo sự chỉ huy của cố vấn Mỹ.
Mối ngờ vực bao trùm lên toàn bộ nhữg kẻ có cùng lợi ích, theo cách này hay cách khác, trong sự liên quan tới Mỹ. Nhưng tất cả đều gạt Hai Trung ra ngoài bởi quan hệ thân cận hữu hảo của "người của Phủ Tổng thống", "người của ông Tuyến", "người của CIA", "người bảo vệ tuyệt đối nguồn tin do Mỹ dạy" mà Trung đã tạo dựng.
Tất nhiên, không chỉ riêng Sở nghiên cứu chính trị có bản tài liệu này. Nhưng sự việc vẫn cần một đầu mối chịu trách nhiệm. Sau đó ít lâu, Trần Lệ Thích, nhân viên trực tiếp dưới quyền Khôi, một người từng tham dự đọc tài liệu, sợ quá không chịu nổi áp lực, xin thôi làm ở The Asia Foundation (cơ quan núp bóng của CIA), qua Mỹ làm cho Đài VOA (Đài tiếng nói Hoa Kỳ).
Hai Trung tự dỡ bỏ lệnh "nằm im" mà cấp trên chỉ đạo, tiếp tục dấn thân vào sâu hơn để tìm kiếm những bản tài liệu tuyệt mật về ý đồ, mục tiêu chiến lược của đối phương.
Người của nhiều phía
Tới tháng 5/1961, mâu thuẫn gay gắt giữa Diệm và người Mỹ phần nào được giải quyết, sau một vài động thái Diệm nghe lời Mỹ trong việc dỡ bỏ dần lối cai trị "gia đình trị", tạo hình thức dân chủ giả tạo thông qua bầu cử, sử dụng nhiều "Mỹ con" hơn trong bộ máy.
Ngay lập tức. John F. Kennedy (Tổng thống Mỹ) sai Lyndin B. Jonhson (Phó Tổng thống) và em gái Kennedy sang Việt Nam, tuyên bố công khai ra mặt ủng hộ Diệm.
Đó là hệ quả tất yếu sau sự kiện tháng 11/1960, Mỹ làm xong động tác "rung cây nhát khỉ" khi dùng Nguyễn Chánh Thi vào cuộc "đảo chính giả cầy" nhằm doạ anh em Diệm.
Thomas A. Bass từng nhắc đến: Khi các bản báo cáo của Trần Văn Trung gửi ra Hà Nội, những cấp trên của ông từng vui mừng thốt lên: "Chúng ta đang ở ngay trong phòng chỉ huy cuộc chiến tranh của Mỹ!".
Sự vụ đình đám khiến gia đình Diệm vui mừng càng khoét sâu mâu thuẫn trong nội bộ quan thầy VNCH, khi Tuyến nổi xung chửi luôn cả Mỹ: "Thằng Mỹ ngu quá, có ủng hộ thì cũng nói vừa thôi. Nó nói thế thì mình làm sao mà khuyên ông cụ sửa đổi đường lối gì được. Đây rồi không vừa ý Mỹ thì nó lai dở trò nữa mà xem".
Sự uất ức của ông thầy tu xuất Trần Kim Tuyến từ thời điểm đó, đã khiến về sau, Tuyến mạnh dạn dám bắt tay với một nhân vật khác (mà Tuyến không hề biết là nhân vật đặc biệt của Hà Nội, VietNamNet sẽ tiếp tục đề cập trong loạt bài sau - NV) để lật anh em Diệm - Nhu; rồi tới cả Nguyễn Khánh. Nhưng đó là một câu chuyện khác.
Sự rối ren, lủng củng, mâu thuẫn nội bộ của một chế độ "ăn bám" giúp Trung "lặn" sâu hơn vào tầng sâu của bí mật để tìm kiếm những bí mật khác.
Cũng trong năm 1961, kế hoạch Khu trù mật thất bại theo kế hoạch dinh điền, buộc Mỹ - Diệm phải tìm cách thay đổi. Kế hoạch Ấp chiến lược ra đời. Hai Trung là một trong sốt ít những nhà báo thân cận với chính quyền (tay sai và ông chủ) được mời đi thị sát đầu tiên trại thí điểm về Ấp chiến lược ở Tân Hiệp, Tân An (Long An). Về sau, chính 2T bị phê bình đã không báo cáo ngay việc này.
Thời điểm đó, kế hoạch Ấp chiến lược được Mỹ "trình" qua cho Diệm. Văn phòng Ngô Đình Nhu trực tiếp tiếp nhận, soạn thảo bản đối ứng bổ sung của kế hoạch nguy hiểm này. Người phụ trách phần việc là Nguyễn Văn Khoa, anh rể của cha Nguyễn Ngọc Lan, đang là cố vấn của Nhu. Khoa vốn học trường mà Ngô Đình Thục, người được Diệm, Nhu đặc biệt kính nể trong gia đình, từng theo học.
Từ văn phòng Nhu, kế hoạch này "bay" về Sở nghiên cứu chính trị - văn hoá - xã hội với yêu cầu tìm hiểu thêm mô hình tổ chức Kiburt (ấp chiến đấu của Israel) để nghiên cứu, đề xuất bổ sung. Người trực tiếp phụ trách phần việc là Lê Văn Thái.
Thái vốn tiếng Anh không tốt, kế hoạch Ấp chiến lược lại khá đầy đặn. Để "gửi" lại người Mỹ phê duyệt lần cuối trước khi thực thi, Thái gọi Trung lên giao lại để góp ý và nhờ dịch sang tiếng Anh. Mừng như mở cở, Trung ôm luôn về đọc qua, sao một bản gửi ra ngay căn cứ, còn bản gốc mang sang cho Pete Robert (người của đại sứ quán Anh) nhờ "dịch giùm".
Tất nhiên, người Anh đã không thể không nhiệt tình khi nhìn thấy "món quà" bản kế hoạch chiến lược "khủng" này "rơi" từ phía người bạn Hai Trung sang, nên dốc sức dịch giúp rất nhanh chỉ trong vòng 1 tuần. Trong mối quan hệ tìm kiếm ảnh hưởng, việc Robert lưu giữ bản dịch là điều dễ hiểu, còn con đường đi tới đâu thì Trung cũng không quan tâm.
Xong nhiệm vụ với Thái, Trung đem tài liệu đã dịch về nhà "ngâm" tới khi Thái giục cuống lên, mới đưa ra.
"Món quà" của Trung khiến người Anh rất đỗi nhiệt tình khi sau đó tiếp tục giúp đỡ với kế hoạch Ấp chiến đấu. Lê Văn Thái tiếp tục tin tưởng vào trình độ của một nhân viên mẫn cán. Còn Hà Nội thì đã có nguyên bản kế hoạch "dồn dân lập ấp, tát nước bắt cá", lập vùng trắng tách Việt Cộng với dân chúng... đặc biệt nguy hiểm do những cái đầu siêu đẳng về chiến lược của cả Mỹ lẫn Diệm dành thời gian, công sức vẽ ra.
Việc phá Ấp chiến lược những năm 1962 - 1963, sử sách đã ghi lại rất rõ.

Không có nhận xét nào: