Cháo đậu xanh, cháo trai, cháo mực, mộc nhĩ xào, tim lợn hầm đậu đen là những món ăn rất có lợi cho người ra mồ hôi trộm, lại dễ chế biến.
Mồ hôi trộm là hiện tượng ra mồ hôi không liên quan đến nhiệt độ môi trường; thời tiết nóng hay lạnh mồ hôi vẫn ra, và chỉ khi ngủ mới bị... Tùy theo mức độ nặng nhẹ mà có hiện tượng đổ mồ hôi cục bộ (chỉ có ở trán hay ở chân tay...) hay toàn thân, lúc tỉnh ngủ thì mồ hôi tự ngừng. Mồ hôi trộm xuất hiện ở mọi lứa tuổi, mắc nhiều ở trẻ em.
Theo y học cổ truyền, mồ hôi trộm là do âm hư, nhiệt thịnh gây ra nóng trong; cần ăn các món bổ âm, giải nhiệt như cà chua, hạt sen, lá dâu, mộc nhĩ, đậu đen, ba ba... Không dùng chất kích thích như cà phê, trà đặc, rượu, bia... và chất cay nóng.
Một số món ăn, nước uống chữa ra mồ hôi trộm:
Cháo trai : Trai đồng 5 con loại vừa, lá dâu non 30 g, gạo nếp 50 g, gạo tẻ 50 g, dầu thực vật, bột gia vị vừa đủ. Pha nước muối loãng ngâm trai, sau một giờ vớt ra rửa sạch, cho vào nồi cùng 100 ml nước, đun sôi, nhặt lấy ruột trai và lọc lấy nước trong. Ruột trai bỏ hết phần đất, thái nhỏ ướp bột gia vị, dùng dầu thực vật xào cho thơm. Lá dâu non rửa sạch thái nhỏ như sợi miến, gạo tẻ gạo nếp xay thành bột mịn, cho thêm nước vào nước luộc trai, cho bột gạo vào quấy đều, đun nhỏ lửa, khi cháo chín cho trai, lá dâu, nêm vừa gia vị bột ngọt, cháo sôi lại là được. Bệnh nhân ngày ăn hai lần, lúc đói, cần ăn liền trong 4-5 ngày.
Cháo ô mai : Ô mai mơ 10 quả (mặn), củ cà rốt 50 g, gạo tẻ 100 g, bột gia vị vừa đủ. Ô mai bóc lấy vỏ, giã nhỏ lọc lấy 300 ml nước, cà rốt rửa sạch, nạo thành sợi như miến, gạo tẻ xay thành bột mịn, cho bột gạo vào nước ô mai quấy đều, đun nhỏ lửa, cháo chín cho cà rốt, nêm gia vị vừa đủ. Ăn ngày hai lần lúc đói, liền trong 5 ngày.
Cháo cá mực : Cá mực khô 50 g, củ mài 150 g, hạt ý dĩ 50 g, bột gia vị vừa đủ. Cá mực rửa sạch, thái hay xay nhỏ, hạt ý dĩ bỏ hết vỏ xay thành bột, củ mài gọt vỏ thái miếng cho vào nồi cùng 300 ml nước, ninh nhừ, cho cá mực, bột ý dĩ vào quấy đều, nêm gia vị vừa đủ. Bệnh nhân ăn ngày hai lần, ăn trong 10 ngày.
Tim lợn hấp lá dâu : Tim lợn 1 quả 250 g, lá dâu non 30 g, hạt sen 20 g, dầu thực vật, bột gia vị vừa đủ. Tim lợn rửa sạch, thái nhỏ và mỏng, ướp bột gia vị, dùng dầu thực vật xào chín, lá dâu non rửa sạch thái nhỏ, hạt sen giã nhỏ, cả ba thứ trộn đều đem hấp cách thủy, khi chín cho bột ngọt vào đảo đều. Ngày ăn 1 lần vào buổi chiều, trong 5 ngày.
Mộc nhĩ xào : Mộc nhĩ đen 20 g, tim lợn 250 g, cà chua 40 g, dầu thực vật, bột gia vị. Mộc nhĩ đen ngâm nước nóng, rửa sạch thái thành sợi, ướp bột gia vị, dùng dầu thực vật xào chín đổ ra bát, cà chua rửa sạch thái miếng bỏ hạt, cùng mộc nhĩ xào bằng dầu thực vật, khi cà chua chín nhừ, cho tim lợn vào đảo đều, sau 2 phút cho bột ngọt vào. Ăn ngày 1 lần vào lúc đói, buổi chiều, trong 5-7 ngày.
Tim lợn hầm đậu đen : Tim lợn một quả 250 g, hạt sen 30 g, đậu đen 30 g, bột ngọt, gia vị. Tim lợn rửa sạch thái miếng vừa đủ, ướp bột gia vị, cùng hạt sen, đậu đen hầm chín cho bệnh nhân ăn cả nước lẫn cái, ngày một lần vào lúc đói, buổi chiều, ăn trong 5 ngày.
Nước lá dâu : Lá dâu khô 10 g, rau má khô 5 g. Cả hai thứ trên rửa sạch cho vào ấm cùng 200 ml nước đun sôi kỹ chắt lấy nước chia 2 lần uống trong ngày, cần uống trong 5 ngày liền.
Chè đậu xanh : Đậu xanh 50 g, gạo nếp 50 g, lá dâu non (khô) 10 g, đường vừa đủ. Đậu xanh gạo nếp sao vàng tán thành bột nhỏ, lá dâu khô cho vào ấm cùng 250 ml nước đun sôi kỹ chắt lấy nước, cho bột đậu, bột gạo, đường vào nước lá dâu quấy đều, đun cho sôi lại là được. Bệnh nhân ăn trong 7 ngày, vào lúc đói, ngày ăn 2 lần.
Chè đậu đen : Đậu đen 50 g, long nhãn 15 g, táo tàu 10 g. Đậu đen vo sạch cho vào nồi thêm 700 ml nước ninh cho nhừ, long nhãn thái nhỏ, táo tàu bỏ hạt giã nhỏ, cho vào đậu đen đã nhừ, đun tiếp cho chè sôi là được, chia 2 lần ăn trong ngày, sáng tối, lúc đói, cần ăn liền trong 5 ngày.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét