Kỳ 17: Niềm tin tuyệt đối giữa những người đồng đội
(VietNamNet) - Lo lắng cho người chị giao liên vất vả, sung sướng khi chuyển được tài liệu an toàn, day dứt khi đồng đội vì mình phải hy sinh hạnh phúc... - những tâm trạng ấy cứ đan xen lẫn lộn trong cuộc sống hàng ngày của Hai Trung.
>> Kỳ 16: Hấp lực dọc đường đi>> Kỳ 15: Người Hà Nội "ở phòng chỉ huy quân đội Mỹ">> Kỳ 14: "Nghệ thuật ẩn mình" của một điệp viên>> Kỳ 13: “Tướng Givral” - Đạo đức của "người biết chửi">> Kỳ 12: "Tướng Givral" –Lý tưởng và tài năng bậc thầy >> Kỳ 11: "Điệp viên tay mơ" thành người Việt trầm lặng >> Kỳ 10: "Mùi" của một điệp viên >> Kỳ 9: Chuyến đi của "con sói cô độc" >> Huyền thoại về Cụm tình báo H.63 anh hùng - Phần 1 >> Người giữ khoá bí mật ở Bộ Tổng tham mưu VNCH
Người ta nói làm tình báo phải sống dưới nhiều gương mặt, và gương mặt hạnh phúc nhất của Hai Trung là khi được sống mở lòng với niềm tin tuyệt đối vào những người đồng đội mà ông đã từng... không biết là ai.
“Chỉ có trẻ con mới không sợ chết”
Tháng 11/1975, Trung tướng Trần Văn Quang (từng giữ các chức Cục trưởng Cục tác chiến, Phó Tổng tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng. Ông giữ chức chủ tịch Hội Cựu Chiến binh Việt Nam từ 1992 đến 2002) khi gặp 2T tại Sài Gòn đã đặt câu hỏi: "Trong suốt thời gian hoạt động của anh, cái gì và khi nào làm anh thích thú nhất?”. 2T trả lời: "Thưa Trung tướng, đó là mỗi khi tôi lấy được một tài liệu quan trọng, một tin tức có giá trị cao nhất mà tôi đã mất công theo dõi lâu ngày, đáp ứng đúng như cầu của cấp lãnh đạo. Thậm chí, có khi mất ăn mất ngủ để lấy cho được tài liệu. Và một khi lấy được rồi tôi thấy sung sướng đến mức ăn thì thấy ngon nhưng ngủ không được, độ 1-2 hôm rồi mới trở lại sinh hoạt bình thường".
Cái 1-2 hôm “mới trở lại bình thường”đó là quãng thời gian cần thiết để tài liệu được chuyển an toàn ra căn cứ, đến tay lãnh đạo và có phản hồi ngược lại với điệp viên qua giao thông viên.
Trong bài học đầu tiên với bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, ông vẫn còn rất nhớ, mỗi một bản tin kịp thời ra tới căn cứ sẽ tiết kiệm được xương máu cho cả đội quân. Với gần 500 bản tài liệu mật trong cả cuộc đời làm tình báo, ông đã cứu được biết bao đội quân không phải đổ máu, theo như cách mà Đại tá Anh hùng Ba Minh từng định nghĩa đầy đơn giản: "Góp sức ít mà đánh được địch nhiều".
Vì mức độ lợi hại như thế, điệp viên luôn là đối tượng bị săn đuổi của mọi thế lực an ninh, tình báo địch giăng ra, trùng trùng điệp điệp.
Nếu như cuộc chiến tranh Việt Nam là cuộc chiến bị động, họ buộc phải chống lại những kẻ xâm lược, thì những chiến sỹ tình báo lại luôn phải là những người chủ động. Trong mọi hoàn cảnh, họ phải chủ động tấn công để lấy tài liệu, tin tức, giữa mạng lưới đồ sộ của mật vụ, an ninh Mỹ, an ninh Việt Nam Cộng hoà.
"Điệp viên là con người và chẳng có người nào là không sợ chết, ngoại trừ trẻ con chưa ý thức được chết là gì. Nhưg vì một lý tưởng cao cả, vì một động cơ nào đó thức đẩy ý thức con người dám chất nhận chết là vấn đề khác", Hai Trung lý giải sự chọn lựa của bản thân rất rành mạch.
Không ai biết ai mà nên nghĩa nên tình
14 năm, người giữ nhiệm vụ liên lạc giữa cơ cán đi sâu 2T với tổ chức là một giao thông viên tuổi đã cao: Chị Nguyễn Thị Ba, người thường được thân mật gọi tên là chị Ba già.
Dưới bình phong một bà già bán hàng mỹ ký ở chợ (từ 1961 - 1965), rồi kể cả sau này liên tục phải di chuyển sang nơi khác, bà Ba (2T vẫn quen gọi là chị Mười) cứ miệt mài trong vai trò người giao thông thầm lặng, làm tốt nhiệm vụ của mình dù trời mưa hay nắng, dù trong bất cứ thời điểm khốc liệt nào.
Họ sống thầm lặng, chiến đấu thầm lặng, và chấp nhận hy sinh cũng rất thầm lặng, để cho những chiến công của ông được vinh danh đến ngàn đời - Ảnh: Tư liệuLúc đầu theo lịch, cứ nửa tháng có một chuyến giao hàng, cho tới thời kỳ cao điểm mỗi tuần lên tới ba chuyến, vậy mà "suốt thời gian dài hơn 10 năm, chị Ba không thất hẹn lần nào cả. Chỉ có Trung thất hẹn vài lần vì công tác đột xuất".
Thời đó, Hai Trung không biết cụ thể chị là ai, mọi việc đều do tổ chức chỉ huy. Mãi sau giải phóng, Hai Trung mới biết là chị Ba có 2 người con, chồng ra Bắc tập kết từ năm 1954, đứa con gái lớn đã gửi vào cứ, còn đứa nhỏ tên Thắng ở cùng với chị.
Hai mẹ con sống cô đơn trong nội thành, chỉ để làm nhiệm vụ giao liên. Vì thế, lúc còn nhỏ, chị hay đưa con đi cùng trong những chuyến “nhận hàng” từ Hai Trung.
Nhưng đến khi 11-12 tuổi, Thắng đã đủ lớn để nhớ được khuôn mặt Hai Trung. Một lần, tình cờ thấy ông đi dọc đường, cậu bé về khoe ngay với mẹ. Giật mình, chị Ba đành đứt ruột xa con, gửi Thắng vào trong cứ để giữ an toàn tuyệt đối cho điệp viên số 1 của lưới.
"Việc chị Ba gửi Thắng vào vùng giải phóng, mẹ chấp nhận xa con khiến Trung nhớ mãi", Trần Văn Trung xúc động kể lại sau này.
Nhưng những điều kỳ lạ về nghĩa tình đồng đội chưa dừng lại ở đấy. 14 năm chiến đấu cùng nhau, sẵn sàng vào sinh ra tử vì nhau, song những người đồng đội ấy lại... không hề biết gì về nhau.
Hai Trung chỉ biết chị Ba hay đi cùng một cậu bé, không tên tuổi, không nơi cư trú. Hết. Còn chị Ba chỉ biết Hai Trung là người chuyển tài liệu, thi thoảng lỡ hẹn với chị Ba. Hết.
Không một thông tin thừa. Không một chút tò mò, không một phút hồ nghi. Họ chỉ biết, đây là những con người kiên trung, được Đảng tin cậy giao nhiệm vụ. Và nghĩa vụ của những người lính - những người con yêu nước là hoàn thành xuất sắc sứ mệnh của mình, không được phép gây một chút hiểm nguy lên vai những người đồng đội.
Cứ thế, họ đã đi cùng nhau trên quãng đường chông gai đầy cạm bẫy cho tới khi kết thúc cuộc chiến tranh dài gian khổ.
Sau này, vì thương chị Ba nhiều tuổi phải đi lại vất vả, Hai Trung từng đánh liều hẹn gặp chị Ba ngay tại cổng trường lúc Hai Trung đi đón con. Hoặc có lần, vì xót cho chị phải cuốc bộ xa xôi nên Hai Trung tự mình đưa chị đi trong nội thành trên chính chiếc xe hơi của ông.
Những lần đó, Hai Trung đều hiểu mình đang phạm phải nguyên tắc nghề nghiệp: gặp chị Ba ở trường tức là để chị biết rằng Hai Trung có con đang học ở đó, chở chị Ba bằng xe riêng tức là để chị Ba biết biển số xe, từ đó có thể lộ tung tích của mình...
Gần 20 năm trong nghề, nay đã chui sâu leo cao trong lòng địch, ông biết rõ mình không được phép mắc lỗi, dù nhỏ nhất. Song Hai Trung vẫn cứ làm, bởi ông tin người đồng đội ấy, cũng như ông đã từng tin tưởng rằng anh Hai, anh Ba sẽ không bao giờ khai ra khi các anh bị bắt trong những năm tháng đầu chống Mỹ.
Niềm tin ấy, ai có thể lý giải nổi? Các thế hệ sau có lẽ chỉ có thể diễn đạt một cách vụng về rằng, trước những nguyên tắc tuyệt mật, những người đồng đội chỉ có thể yêu thương và sẵn sàng chết vì nhau nhờ một LÝ TƯỞNG VÀ NIỀM TIN TUYỆT ĐỐI!
Đến cuối năm 1974, chị Ba được rút ra cứ vì đã đến tuổi nghỉ ngơi, chuẩn bị ra Bắc đoàn tụ gia đình. Nhưng khi Đảng đề nghị, chị lại tự nguyện trở vào thành liên lạc với Hai Trung, bởi lúc này đang là giai đoạn quyết định.
Chuyến chuyển hàng cuối cùng giữa chị Ba già và "người Việt trầm lặng" Trần Văn Trung là chuyến hàng mang kế hoạch quân sự 1975 của chế độ cũ ra căn cứ. Hoà bình lập lại, chị Nguyễn Thị Ba được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vì những chiến công vô cùng thầm lặng đó.
Còn tiếp nữa những anh hùng biến... giỏ rác thành sức mạnh thần kỳ
Xưa nay, điệp viên luôn được xây dựng như một hình mẫu độc lập, nhưng những di cảo còn lại của điệp viên huyền thoại Phạm Xuân Ẩn thì lại khẳng định rằng "điệp báo và giao thông là hai chân của một thế đứng. Dù nhiệm vụ khác nhau nhưng y êu cầu về nghiệp vụ và phẩm chất cách mạng phải ngang tầm nhau. Khâu này ở lưới của Hai Trung chẳng những rất cân đối mà còn có giá trị tương hỗ, chi viện lẫn nhau cả về tình cảm và ý chí cách mạng".
Chính sự chia sẻ, đùm bọc lẫn nhau trong cả tình cảm và ý chí cách mạng đó đã khiến Trần Văn Trung luôn cố gắng bằng mọi cách đảm bảo rằng mỗi chuyến liên lạc đều có một tài liệu hay bản tin có giá trị để giao liên mang về.
"Mỗi chuyến liên lạc là một nỗ lực xương máu của chiến sỹ từ cụm tới ven biên, về hộp thơ vùng tạm chiếm tới nội đô", do vậy, với ông, "giao liên là khâu quan trọng nhất và khó khăn nhất trong lưới. Không tổ chức tốt thì chỉ huy không điều khiển được điệp viên và tin tức tài liệu lấy được chỉ... bỏ vào giỏ rác nếu không chuyển về an toàn và kịp thời".
Ngoài những con người như chị Tám Thảo, chị Ba già..., Hai Trung còn nhận được sự tiếp sức từ hơn 40 con người nữa. Trong số họ, có những người thậm chí ông còn không bao giờ biết tên. Họ sống thầm lặng, chiến đấu thầm lặng, và chấp nhận hy sinh cũng rất thầm lặng, để cho những chiến công của ông được vinh danh đến ngàn đời.
--- * ---
Cụm tình báo có bí số H63 với 45 chiến sỹ đã dệt nên một huyền tích mới về tình yêu Tổ quốc, sự trung thành, lòng dũng cảm và mưu trí của những con người thời đại Hồ Chí Minh.
Trong thời kỳ địch càn quét, giăng bẫy dày đặc như khoảng thời gian 1968 – 1969, những chiến sỹ ấy đã mở 3 mạch máu giao thông thông suốt, bám trụ ngay tại vùng đất nhuốm đầy lửa máu và bom đạn Phú Hoà Đông để đêm đêm lên máy chuyển tin ra Hà Nội.
27 người trong cụm H63 đã hy sinh suốt 14 năm (1961 – 1975) để đảm bảo liên lạc cho gần 500 bản tài liệu có giá trị chiến lược và chiến thuật của Hai Trung.
Những ngày dữ dội nhất Mậu Thân 1968, Cụm trưởng Cụm H63, người đàn ông đặc biệt hóm hỉnh, gan dạ, mưu trí và có tài bắn hai tay hay súng Tư Cang đã vào nội đô Sài Gòn, trực tiếp sát cánh cùng điệp viên số 1 của Cụm là Hai Trung, chuẩn bị cho cuộc Tổng tấn công Mậu Thân lịch sử.
Cùng nhau, họ đã lập nên những kỳ tích chiến công như huyền thoại trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước, đẹp đến mức mà những người chỉ huy ở cấp cao nhất từng ngợi ca: "Tập thể xung quanh điệp viên 2T là một tập thể trong sáng, anh hùng".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét