Nhiều khoa học gia đã ví miệng con người như một sở thú, trong đó chen chúc cả vài trăm loại vi sinh vật lành dữ khác nhau, đặc biệt là ở phần sau của lưỡi.
Chúng sống nhờ thực phẩm còn sót lại ở răng miệng, tạo ra vài loại acid và mùi hôi. Acid ăn mòn men răng, dẫn tới sâu răng, rụng răng. Mùi sulfur làm miệng có mùi khó chịu khi nói, khi thở, khi “mi” nhau.
Từ xa xưa, loài người đã ý thức được ảnh hưởng xấu của thực phẩm còn kẹt lại ở răng miệng. Vì thế, sau khi ăn, người châu Á cũng như châu Âu, châu Phi vừa rửa tay, rửa mặt vừa súc miệng. Với một ngụm nước đầy, họ vận dụng mấy thớ thịt ở má làm cho nước nổi sóng, lách qua lách lại khe răng, loại hết thức ăn dính nơi đây. Dùng ngón tay trỏ, người ta chà tới chà lui hàm răng. Nhiều khi họ dùng khăn mặt hoặc một miếng vải nhỏ để lau răng.
Trung Hoa được coi như nơi khai sinh của bàn chải đánh răng đầu tiên trên trái đất, được làm với lông bờm ngựa gắn trên một cái cán bằng tre hoặc xương thú vật. Đó là vào khoảng năm 1498.
Năm 1780, một công dân người Anh, ông William Addis, thấy chà răng bằng miếng vải tẩm muối bất tiện. Ông ta bèn làm bàn chải bằng cách dùi nhiều lỗ nhỏ trên một miếng xương súc vật rồi luồn vào đó nhiều sợi lông đuôi bò cứng ngắn, cắt cho bằng để chải răng. Hiện nay, hậu duệ của ông có cơ sở sản xuất bàn chải răng rất lớn.
Đến năm 1857, bằng sáng chế bàn chải đánh răng đầu tiên tại Mỹ được cấp cho ông H.N. Wadsworth.
Năm 1938, Công ty Dupont dùng sợi nylon làm bàn chải thay thế cho lông súc vật. Lý do là lông thú vật ngày một khan hiếm, lại sợ nhiễm trùng mất vệ sinh. Tuy nhiên, lông heo rừng vẫn còn được nhiều người ưa thích vì là vật hiếm và thiên nhiên.
Đến năm 1939, Thụy Sỹ bắt đầu sản xuất bàn chải đánh răng chạy bằng điện. Năm 1961, công ty General Electric tung ra thị trường bàn chải điện không dây. Tiến bộ hơn nữa là bàn chải xoay tròn Interplak được bán cho công chúng vào năm 1987. Bàn chải điện rất tiện lợi cho người có khó khăn trong vận dụng hai bàn tay, chẳng hạn bị viêm xương khớp, hậu quả tai biến não.
Năm 2003, một cuộc thăm dò dư luận cho hay bàn chải đánh răng được coi là nhu yếu phẩm số một trong đời sống mọi người, cần thiết hơn xe hơi, máy vi tính, điện thoại di động.
Việc đánh răng thường thường chỉ loại bỏ được 70-80% chất bẩn, phần còn lại phải nhờ tới chỉ nha khoa. Chỉ tơ thay thế cho việc dùng tăm cổ truyền dễ gây tác động xấu cho nướu. Đôi khi nhà sản xuất tẩm vào chỉ chất kháng sinh, fluoride, chất gây thơm.
Kem đánh răng
Theo các nhà khảo cổ, kem đánh răng đã được dùng ở Ấn Độ và Trung Hoa từ 500 năm trước Công nguyên. Trước kia người xưa tán vụn xương động vật, vỏ trứng, vỏ hến để chà răng. Sau đó, bột đánh răng được sản xuất từ cỏ cây, than với vài chất có mùi thơm.
Mãi tới năm 1824, một nha sĩ tên là Peabody mới nghĩ ra việc cho thêm xà phòng vào kem đánh răng để có nhiều bọt. Ngày nay, xà phòng được thay thế bằng chất Sodium Lauryl Sulfate, và Sodium Ricinoleate.
Năm 1850, John Harris thêm đá vôi vào kem.
Năm 1892, bác sĩ Washington Sheffield ở Connecticut (Mỹ) nghĩ ra việc cho kem đánh răng vào một ống có thể gấp gọn vào được. Trước đó, kem được chứa trong lọ sứ, dưới dạng nhão, bột hoặc đóng thành từng cục dẹt nhỏ tròn tròn, bọc trong giấy bóng kính.
Đến thập niên 1960, hãng Colgate bắt đầu pha fluoride vào kem để duy trì men răng tốt.
(Theo Sức Khoẻ & Đời Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét