Thứ Năm, 31 tháng 7, 2008

Trẻ bị thiếu vitamin có biểu hiện như thế nào?

Written by BS. Phạm Thu Thủy

Nhiều bà mẹ phàn nàn rằng đã cho con mình ăn uống đầy đủ, các cháu vẫn phát triển tăng cân như bình thường... nhưng thường hay quấy khóc về đêm, có cháu lại hay ra mồ hôi trộm hay da dẻ không mịn màng như da trẻ khác, phải chăng do trẻ bị thiếu vitamin? Đáp ứng những thắc mắc trên của bạn đọc, chúng tôi xin giới thiệu một cách tóm tắt một số biểu hiện khi trẻ thiếu vitamin và cách dự phòng để bạn đọc tiện tham khảo.

Thiếu vitamin A

Nếu trẻ không được bú sữa mẹ, ăn thiếu chất, mắc các bệnh về gan, đái tháo đường... sẽ bị thiếu vitamin A. Dấu hiệu khô mắt là biểu hiện đặc trưng, mắt cảm thấy khô, trẻ sợ ánh sáng, ít nước mắt. Da của trẻ thô ráp, bong vảy, sần sùi. Vì thiếu vitamin A nên trẻ chậm lớn, mệt mỏi, không chịu chơi. Dự phòng và điều trị: cho trẻ bú sữa mẹ, cho trẻ ăn bổ sung, ăn dặm đúng thời gian, đủ số lượng theo lứa tuổi, đủ chất, với chế độ ăn giàu mỡ, ăn nhiều loại thức ăn có chứa vitamin A như gấc, đu đủ, rau ngót, trứng gà, gan... Nên cho trẻ đi uống vitamin A định kỳ 6 tháng/lần.

Thiếu vitamin B1

Vitamin B1 rất cần để tổng hợp ra acetincholin, nếu để thiếu sẽ làm tổn thương các chức năng thần kinh. Biểu hiện khi trẻ thiếu vitamin B1 là quấy khóc, chán ăn, rối loạn tiêu hóa (táo bón hoặc tiêu chảy). Trẻ không tăng cân, nước tiểu ít... Dự phòng và điều trị: cho trẻ uống, tiêm vitamin B1 liều cao, sau giảm dần. Chế độ ăn phải thay đổi: nguồn cung cấp vitamin B1 dồi dào là sữa mẹ, sữa bò, trứng, ngũ cốc. Không nên nấu rau, ngũ cốc quá chín vì vitamin B1 sẽ bị phá hủy khi ở nhiệt độ cao.


Thiếu vitamin C, E

Nhiều bậc phụ huynh chủ quan cho rằng chỉ có người lớn mới cần bổ sung vitamin C, E. Thế nhưng nếu thiếu vitamin C trẻ sẽ bị: sún răng, răng vàng, lợi sưng đỏ. Trẻ hay kêu đau, mỏi toàn thân. Thiếu vitamin E: trẻ bị thiếu máu, xuất hiện creatin niệu... Lúc này cần phải bổ sung cho trẻ bằng cách cho uống vitamin C, E, uống nước cam ép, sinh tố bơ, cà chua, bưởi...


Thiếu vitamin PP

Bệnh thường thấy ở trẻ ăn bột, ăn ngô, hoặc những trẻ ở tập thể không được ăn đầy đủ, trẻ có rối loạn tiêu hóa mạn tính. Trẻ thiếu vitamin PP thường bị tiêu chảy, phân giống như nhầy mũi hoặc có máu; trẻ hay bị viêm miệng và lưỡi, không ngủ được, lờ đờ. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh nhi sẽ tử vong do viêm phổi, viêm thận. Điều trị và dự phòng: cho trẻ uống vitamin PP, ngoài ra bổ sung thêm vitamin B1 và men bia.

Thiếu vitamin K

Nếu thiếu hay hấp thu không được vitamin K ở ruột sẽ làm giảm prothrombin máu và giảm sự tổng hợp proconvertin ở gan. Thiếu vitamin K thường xuất hiện trong thời kỳ trẻ mới sinh, vào các ngày thứ 3-5 sau khi đẻ vì vi khuẩn đường ruột chưa tổng hợp đủ vitamin K, hoặc trẻ bị tắc đường mật, rối loạn tiêu hóa. Tất cả các trường hợp có bệnh chảy máu (chảy máu đường tiêu hóa, chảy máu ở da, niêm mạc...) cần phải nghĩ tới thiếu vitamin K. Ngoài ra, khi thấy trẻ bỏ bú, quấy khóc, khóc thét, co giật... nhất là trẻ ở lứa tuổi từ sơ sinh đến 2 tháng tuổi thì cần đặc biệt lưu ý nguy cơ xuất huyết não mà một trong những căn nguyên hay gặp là do thiếu vitamin K. Dự phòng: cách tốt nhất là cho thai phụ uống hoặc tiêm vitamin K trước khi sinh và cho trẻ uống hay tiêm vitamin K ngay sau khi sinh.


Thiếu vitamin D hay bệnh còi xương

Trẻ bị còi xương là do thiếu vitamin D, làm ảnh hưởng đến quá trình hấp thu và chuyển hóa canxi, photpho. Nếu thấy trẻ hay bị đổ mồ hôi trộm, đầu mềm, tóc rụng hình vành khăn, răng mọc chậm, chậm biết bò, đi; khi ngủ trẻ hay bị giật mình, bực tức, khó chịu... thì chắc chắn trẻ bị thiếu vitamin D. Điều trị và phòng bệnh: ngoài việc dùng vitamin D, muối canxi thì ăn uống và cách chăm sóc đóng vai trò quan trọng. Nên cho trẻ ăn nhiều đạm, ăn các thức ăn có nhiều vitamin D như trứng gà, dầu cá... Trong thời gian mang thai, người mẹ cần ăn uống đầy đủ chất như thịt, cá, rau tươi... Trong năm đầu, nên tắm nắng hằng ngày cho trẻ vào thời gian trước 10 giờ sáng. Chỗ ở của trẻ phải thoáng mát, có ánh sáng mặt trời, nên cho trẻ ra ngoài trời vào tháng thứ 2 (tùy theo thời tiết). Nếu trẻ đẻ non, suy dinh dưỡng, ngày thứ 8 sau khi đẻ cho trẻ uống vitamin D.


Tóm lại, khi thấy trẻ có các biểu hiện thiếu vitamin như đã nêu cần đưa trẻ đi khám và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Tránh tự ý dùng thuốc vì dù là vitamin nhưng nếu sử dụng không đúng cách, đúng liều dễ gây ngộ độc dẫn đến hậu quả khôn lường.

Thứ Hai, 28 tháng 7, 2008

Những ngày trên đất bạn Lào (tiếp)

Công trường hối hả với việc chuyển quân, thiết bị, xây dựng lán trại... Công việc của chúng tôi tại VP cũng nhiều hơn. Tuy nhiên, tiến độ thi công vẫn bị KSTV phê là chậm. Hai năm đầu tiên chẳng làm được mấy. Tất cả nhờ sự tài tình của sếp trưởng mà công việc dần đi vào guồng. BĐH có một số người về nước, nhân sự thay đổi từ cấp cao trở xuống, một số người nơi khác chuyển đến. Trong số đó có một người làm trái tim tôi rung động. Tôi đã tốn ko biết bao nhiêu nước mắt cho người này cũng như những gì quý giá nhất của tôi. Mọi người đều đã thay đổi cách nhìn đối với tôi. Tôi đã ko còn nhận ra chính mình nữa. Hai năm quá đủ cho tính thương người của tôi và rồi tôi đã quyết định cho mình một hướng mà ko thể nào khác được đó là chia tay không một lời giải thích. Thời gian đã làm vết thương lòng của tôi lành nhưng vết sẹo nó để lại là quá lớn. Tôi muốn quên đi mà ko thể nào quên được. Tôi đành sống với nó, để nó tồn tại như một phần cuộc sống của tôi...

Mà thôi, tôi ko muốn nhắc đến những kỷ niệm buồn nữa. Tôi nhớ lại mùa mưa đầu tiên đến cùng với Tết Lào. Năm đầu tiên đón tết Lào tôi bị ướt như chuột lột, người ngợm toàn bột, nhọ nồi và son. Những năm sau, tôi trốn biệt trong nhà và tránh ra ngoài vào những ngày đó. Tết cổ truyền Lào Pi May rơi vào ngày 13-15/4 hàng năm. Lúc đó trời bắt đầu những cơn mưa đầu mùa, cung cấp nước để dân trồng lúa. Tục lệ là ai bị ướt nhiều trong ngày tết là người gặp nhiều may mắn. Tôi vẫn chưa thể quen với tục lệ đó và sợ bị ướt lắm. Tuy thế, ngày tết thật vui, dân làng tổ chức thâu đêm, có hội (Bun-tiếng Lào) nữa. Tôi cũng nhiều lần đi bun rồi, và nó cũng như hội ở các làng quê ở Việt Nam, được tổ chức để cầu cho mưa thuận gió hòa, phật phù hộ đội trì cho chúng sinh. Ngày có hội Bun, dân làng mặc quần áo đẹp, ai cũng cười nói vui vẻ cho dù cuộc sống của họ còn gặp nhiều khó khăn, còn nhiều bữa đói. Tôi ở đây vài năm nhưng rất ít khi gặp cảnh đánh cãi chửi nhau, họ sống rất hòa thuận và tình cảm. Tôi rất thích đức tính này của họ.

Bạn bè người Lào rất quý tôi, họ hay mời tôi tham gia vào những cuộc vui của họ, như đi chơi, đám cưới, sinh nhật... Đám cưới ở Lào tôi đi cũng nhiều, nhưng toàn ăn xong ở nhà mới đi vì tôi sợ phải ăn nhiều món mà mình ko biêt nguồn gốc là cái gì. Thiếp mời cũng có cái khác VN. Phong bì sẽ đề tên người được mời (bao giờ cũng phải đi 2 người và dùng cái phong bì đó để bỏ tiền mừng), bên trong thiếp mời ghi ra một loạt tên quan viên hai họ, cuối cùng mới đến tên cô dâu chú rể. Tiệc cưới thì ăn theo kiểu buffet. Hic, thú thực là lần đầu tiên tôi tham dự 1 đám cưới mà đến lúc ăn ko biết chen vào chỗ nào để lấy đồ ăn vì lúc đó mọi người đều tỏa về các bàn đựng thức ăn. Tôi phải nhờ người lấy và cũng chỉ dám ăn gà và xôi thôi. Nhoằng 1 cái là đã hết đồ ăn, chậm chân là ko còn gì mà chén nữa. Vui nhất là đám cưới hay có nhảy Lăm vông, điệu múa truyền thống của Lào. Tôi tập mãi mà cái tay và chân chẳng ăn nhịp với nhau gì cả. Mọi người đều múa rất đẹp, nhất là phụ nữ, tay họ mới dẻo làm sao. Nam giới thì ko múa đẹp bằng, chỉ làm nền cho phụ nữ thôi. Có 1 điều mà tôi nhận thấy trong các bữa tiệc của Lào là uống rất nhiều rượu cứ như họ sinh ra là để uống rượu vậy.

Tôi còn nhớ được ăn rất nhiều món ăn của Lào mà tôi cho là ngon. Có thể kể đến cơm nếp nương, nộm đu đủ (tôi rất thích, khi về nước tôi cũng đã nhiều lần làm để ăn và cảm thấy vẫn rất ngon), cá chua, ong non hấp, trứng kiến, sâu chít (món này tôi ăn no được, sao mà béo và thơm thế, chẹp chẹp...). Một số món mà cấp dưỡng BĐH nấu thì cũng tuyệt cú mèo: ba ba nấu chuối, thịt bê, nai khô, trăn... Nơi tôi ở là vùng núi nên các sản vật núi rừng nhiều như ba ba, cầy hương, chồn, cáo, chim... Ở chợ thị xã nhiều nhưng nhiều con khi được mang tới chợ đã bốc mùi vì chết lâu ngày. Chúng tôi chẳng bao giờ dám ăn những thứ đó, chỉ quanh quẩn các món truyền thống theo khẩu vị Việt mà thôi. Sau này, khi BĐH rút hết quân, tôi làm cấp dưỡng cũng chỉ dám ăn theo kiểu người Việt thôi. Một số món Lào mà nghe thấy chúng tôi đã sợ đó là món phèo bò hoặc lợn (nước trong lòng non của con bò, lợn, sau khi mổ ra sẽ được giữ lại làm nước chấm, ặc ặc ), nhái ôm măng còn nguyên da và chân móng vuốt... Một món tôi thích nữa đó là ngô luộc (món này tôi lại nhớ bà May) và măng tây. Rất ngon có điều măng tây thì hơi đắt.

Sở thích của tôi là đi bộ sau mỗi ngày làm việc. Sau nhà BĐH là những quả đồi thấp, nhấp nhô xanh mướt toàn cỏ. Hết giờ làm việc là tôi lại dành cho mình khoảng thời gian đi bộ lên những quả đồi đó. Hồi ở Lào làm việc, tôi còn có sở thích nuôi chó và trồng rau nữa. Rau thì tôi trồng ko đậu lắm nhưng chó thì tôi nuôi có vẻ mát tay. Rất nhiều lứa chó tôi nuôi và mọi người đem về nước làm quà nữa. Khi về nước tôi cũng mang theo 1 con chó mà tôi gắn bó gần như toàn thời gian tôi ở Lào với cái tên là Cộc (ví khi mẹ nó đẻ nó ra nó là con trắng vá đen duy nhất và có 1 cái đuôi bé tí như đuôi thỏ). Tiếc rằng, sau khi về nước tôi ko nuôi được nên đã để cho mẹ tôi nuôi và rồi nó cũng bị chết (ốm quá bị đem thịt). Chiều chiều tôi leo đồi cùng 2 con chó, tụi chó thì chạy nhảy lung tung, sục sạo khắp các quả đồi và chạy theo tôi. Thời gian đó thật thoải mái làm sao. Có việc vui buồn gì tôi cứ đi bộ là gần như được giải tỏa hết. Tôi giữ được sức khỏe trong suốt thời gian tôi làm việc ở đó, chẳng bị ốm nặng. Tất nhiên, xụt xịt thì ko tránh khỏi nhưng ko bị ốm là may lắm vì ở đó phương tiện cứu chữa cũng như bệnh viện của dự án cách xa hơn 30 km, bệnh viện tỉnh thì chẳng dám vào. Nói tóm lại tốt nhất là đừng có ốm. Bố tôi chỉ sợ tôi bị sốt rét khi đi làm ở đây thôi. Cũng nhờ luyện tập đi bộ, chạy bộ mà tôi luôn khỏe mạnh để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống và tồn tại cho đến ngày hôm nay.

Những ngày trên đất bạn Lào (tiếp)

Công việc của tôi bận rộn với dịch văn bản, đi họp, đi công trường. Tôi đã quen với việc của mình nhanh chóng tuy rằng còn phải học tập rất nhiều. Tôi học được tính kiên nhẫn, nhìn nhận và giải quyết sự việc hết sức bình tĩnh của sếp trưởng, lạc quan của sếp phó và vui vẻ hết mình trong công việc của đám kỹ sư trẻ. Phải nói là tôi học được khá nhiều điều ở đây và mất khá nhiều điều nữa....

Tôi đã có một số người bạn bản xứ. Trong số họ có người để lại cho tôi tình cảm sâu sắc nhưng cũng có người thì ko

Đầu tiên có thể kể đó là chị giúp việc. Chăn son, là tên của chị. Thời gian đầu thì chị thể hiện là người tử tế, nhưng về sau thì ko còn như thế nữa nên tôi cũng chỉ giữ mối quan hệ xã giao thôi.

Người thứ hai đó là chị Òn (tiếng Lào có nghĩa là màu hồng...). Tôi biết chị vì ở chỗ tôi mấy người đứng tuổi hay đi ăn thịt nướng uống rượu buổi tối. Mọi người hay lên quán của chị. Chị là người béo, rất béo nhưng lại là người hay cười và rất tốt bụng. Nhà nghèo nên mấy chị em chị mở quán bán thịt nướng bên đường (gần nơi chúng tôi thuê trụ sở của BĐH lúc sang Lào ở). Sau này, mọi người cũng ít đến đó và một số người thì về nước. Tuy nhiên tôi vẫn giữ mối quan hệ với chị cho tới ngày tôi về nước, cho dù vốn tiếng Lào của tôi ít ỏi.

Người tiếp theo có lẽ là đám kỹ sư người Lào mà tôi có dịp tiếp xúc trong công việc, đó là Khamnone, Mouane, Amphayvanh, Bulikhit (bác này thì già rồi, làm hành chính cho bọn KSTV), Sanane (dò mìn, sau này tôi được biết anh bị mất một chân trong một lần đi dò mìn và vợ anh đã bỏ anh, anh rơi vào rượu chè), Phasouk (dò mìn) (hiện tại tôi vẫn còn liên lạc)... Những người này hầu đều có cảm tình đặc biệt với tôi (tôi nhận thấy như vậy ko biết có chủ quan quá hay ko?) tôi nghĩ rằng có vẻ mình là nữ và hơi nhạy cảm chăng. Một trong số đó đã cùng tôi đi chơi tối và một số buổi khác nữa nhưng cũng chẳng đi đến đâu. Tôi lúc đó chỉ đơn giản nghĩ là mình kết bạn thôi chứ ko nghĩ xa hơn.

Thân nhất với tôi có lẽ là Pao và Ót. Hai cô bạn người Lào độ tuổi 20. Các cô này thích trò chuyện với các anh VN là chính. Hai cô thể hiện hai phong cách người Lào khác nhau cho dù nhà mỗi cô đều có điều kiện kinh tế, có anh đi du học nước ngoài. Tôi có nhiều buổi đi chơi với hội bạn này, rất vui như lần đi thác gì đó (tôi chẳng thể nhớ nổi tên), rồi bạn của 2 cô này học ở VN mấy năm tôi đều đến chơi, mỗi lần bạn đó về nước đều có dịp gửi quà cho các cô. Tiếc rằng, tôi ko thể thường xuyên liên lạc với 2 bạn này do bất đông ngôn ngữ. Tôi thì ko thể viết được tiếng Lào, còn 2 bạn này thì chỉ biết tiếng Lào, chúng tôi chỉ giao tiếp bằng lời nói được thôi. Khoảng cách địa lý không cho phép chúng tôi phát huy được sở trường của mình. Dầu sao, tôi vẫn rất nhớ các bạn...

Tình cảm nhất đối với tôi có lẽ chính là bà May. Một người phụ nữ góa chồng, nghèo nhưng rất tốt bụng và thật thà. Bà kết bạn với 1 người trong cơ quan tôi, qua đó chúng tôi quen nhau, nhưng bà coi tôi như con, có cái gì ăn cũng đem cho. Tình cảm đó làm cho tôi đỡ quạnh hiu nhớ nhà. Tôi thỉnh thoảng ra nhà bà ăn cơm, hoặc khi đi chợ thì tôi thường xuyên ra hàng của bà chơi. Khi tôi về nước, bà tiễn tôi thật cảm động làm tôi rơi nước mắt.

Bạn bè cũng không nhiều nhưng mỗi người đều để lại trong tôi những kỷ niệm, tôi nhớ mãi trong lòng cho dù tôi đã rời nơi đó đã 6 năm rồi. Cuộc sống của tôi cũng có nhiều thay đổi song tôi hy vọng một ngày nào đó tôi có dịp đến thăm lại nơi này, thăm lại những người bạn cũ của tôi.

Những ngày trên đất bạn Lào (tiếp)

Tết Dương lịch (1999), chúng tôi có một bữa liên hoan ăn tết tại BĐH. Chẳng hiểu hôm đó tâm trạng tôi vui hay buồn mà tôi đã uống rượu say. Mọi người kể lại phải bôi vôi vào gan bàn tay và chân cho tôi. Còn tôi thì ăn cháo mất vài hôm và cảm giác lâng lâng đến cả tuần. Sau này, một số kỹ sư người Lào còn nhắc lại làm tôi cảm thấy thật xấu hổ.

Tết Nguyên đán năm đó tôi được GĐ cho phép về nghỉ trước tết 1 tuần. Đó là chuyến về nhà đầu tiên kể từ khi tôi đặt chân sang Lào. Lúc đó tôi rất vô tư đi về rồi vô tư đi sang tiếp tục làm việc mà không nghĩ được rằng bố mẹ và các em ở nhà rất thương cho tôi phải ăn tết xa nhà. Có lẽ tôi cũng khó mà giải thích được tâm trạng của tôi lúc đó nữa. Dù sao tôi cũng ăn têt xa nhà lần đầu tiên trong đời. Được cái tôi là nữ duy nhất tại BĐH nên sếp toàn cho đi nhờ xe mỗi lần tôi được nghỉ phép hoặc tranh thủ về nước. Chuyến đi của tôi để lại cho bố mẹ và các em bao nhiêu nỗi buồn mà tôi mãi sau này mới biết được.

Trở lại Lào trong những ngày giáp tết, không khí núi rừng cũng đượm màu mùa xuân, cảnh vật tươi sáng, hoa mận và hoa đào nở rực bên đường. Những đoàn xe hối hả chở những cành đào rừng về xuôi kịp đón tết Nguyên đán. Lòng tôi chợt cảm thấy bồi hồi... Tết đó, mọi người phải ở tạm trong khu nhà đang con làm dang dở, mọ người chen chúc ở và làm việc trong khu nhà văn phòng. Tôi được ưu tiên ở trong một phòng...ko có cửa phải dùng tạm 1 tấm phiên liếp. Cuối cùng mọi người cũng giúp tôi có 1 cái cửa chắc chắn. Ơn chúa (thực ra là ơn mọi người), từ hôm đó tôi ko phải lo mỗi khi đi ngủ nữa. Ngày 29 tết, BGĐ cho một số người về quê ăn tết nhưng phải sang vào ngày 3 tết. Tuy được nghỉ ngắn nhưng đối với những người được về thì đó cũng thật là có ý nghĩa. Đêm giao thừa, mọi người cũng chuẩn bị đầy đủ mọi thứ như ở Việt Nam, cũng bánh chưng, cành đào, giò.... Chúng tôi thức suốt đêm để đón giao thừa. Thậm chí trước đó còn đi ra thị xã để chơi. Tôi thức đến 5 h sáng thì đi ngủ. Khi ấy, tôi chẳng nhớ là vui hay buồn nữa, tôi chỉ nhớ đã gọi điện cho bố và mẹ để chúc mừng năm mới.

Sáng mùng 1 Tết, chúng tôi ăn uống qua loa rồi chúng tôi mượn xe ô tô đi chơi. Bọn tôi đi đến một nơi mà ở đó mọi người gọi là suối nước nóng. Tôi cũng chẳng biết gọi tiếng Anh là gì, mãi về sau KSTV mới nói đó là Hot Spring. Đó là nơi cách chỗ chúng tôi ở khoảng 70km về phía biên giới Lào và Việt Nam. Trên đường đi chúng tôi ghé các đơn vị trong công trường để chúc tết. Mỗi đơn vị cũng chỉ có vài người trực tết, còn lại công nhân cho về ăn tết hết cả. Quà tết của chúng tôi là vài giò phong lan... Ngày mùng 2 chúng tôi lại có xe đi chơi, nhưng lần này chúng tôi ...Nam tiến, ko Tây...tiến như hôm trước. Chủ định cũng là đi thăm cánh đồng chum, vì ở Xiêng Khoảng nơi chúng tôi làm việc thì nổi tiếng với cánh đồng chum và nhiều bom mìn nhất nước Lào. Có 3 bãi tất cả nhưng chúng tôi chỉ đi được có 2 bãi, bãi thứ nhất cách chỗ chúng tôi 6km, xem ra rất gần, với đủ loại chum lớn nhỏ, nằm ngang hay dựng đứng nằm tập trung 1 một bãi rộng lắm tôi chẳng biết kích thước thế nào, có lẽ phải bằng hồ Hoàn Kiếm chăng? Có cái đường kính lên đến 2 m. Bãi thứ 2 thì chum ít hơn cách chỗ chúng tôi ở khoảng 15-20km, nằm rải rác trên 1 quả đồi thấp, số lượng ít hơn. Bữa đó chúng tôi đi sâu vào trong rừng, men theo đường quốc lộ, càng đi vào sâu càng sợ. Lúc sau, 1 người trong đoàn chợt thấy lố nhố nhiều người mặc quân phục vác súng liền cho xe quay đầu lại. Chúng tôi thì vô tư chẳng biết gì, sau khi về nhà người đó nói mới biết. Hú vía! Vì ko biết đó là bộ đội hay phỉ - Xiêng Khoảng (Nọng Hét) còn nổi tiếng là quê hương của phỉ Vàng Pao mà.

Cứ thế chúng tôi chơi cho hết mấy ngày tết, đi chơi cũng khuây khỏa, khỏi nhớ nhà. Có lẽ đó cũng là thời gian vui vẻ nhất mà tôi có được khi làm việc tại đây.

(còn tiếp)